Trong nước

Mức phụ cấp của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là bao nhiêu?

Thông tư 13/2019/TT-BNV hướng dẫn cụ thể về cách tính phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.

Chị Trần Thị Thủy Tiên (TP.Rạch Giá, Kiên Giang) hỏi: Xin chào, cho tôi hỏi mức phụ cấp đối với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có phải bằng 3 hoặc 5 lần mức lương cơ sở tùy vào thôn đó có bao nhiêu hộ dân, nằm ở vùng nào hay không ạ?

Luật sư trả lời:

Về vấn đề này, xin được giải đáp như sau:

Mức phụ cấp của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố mới nhất

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP bao gồm: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận.

Về mức phụ cấp đối với các đối tượng nêu trên, tương tự như Nghị định 34/2019/NĐ-CP, Thông tư 13/2019/TT-BNV của bộ Nội vụ quy định cách tính theo phương thức khoán.

Theo khoản 1 Điều 13 của Thông tư 13/2019/TT-BNV, ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố.

Với mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng => Mức khoán quỹ phụ cấp là 1.490.000 đồng x 3 = 4.470.000 đồng/tháng.

Riêng với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo, mức khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.

Với mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng => Mức khoán quỹ phụ cấp là 1.490.000 đồng x 5 = 7.450.000 đồng/tháng.

Trong đó, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh:

- Bí thư Chi bộ.

- Trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố.

- Trưởng Ban công tác mặt trận.

Như vậy, có thể thấy mức phụ cấp 3,0 hoặc 5,0 lần mức lương cở sở là mức khoán phụ cấp cho cả ba chức danh Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận chứ không phải là dành riêng cho trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Mức phụ cấp cụ thể đối với từng chức danh sẽ do hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Ví dụ, như tại Hà Nội: Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/07/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quy định mức phụ cấp cụ thể đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố như sau:

- Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền:

+ Bí thư Chi bộ thôn, tổ dân phố: 1,8 lần mức lương cơ sở.

+ Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố: 1,8 mức lương cơ sở.

+ Trưởng ban công tác Mặt trận: 1,4 mức lương cơ sở.

- Đối với các thôn còn lại và tổ dân phố:

+ Bí thư Chi bộ thôn, tổ dân phố: 1,1 mức lương cơ sở.

+ Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố: 1,1 mức lương cơ sở.

+ Trưởng ban công tác Mặt trận: 0,8 mức lương cơ sở.

Cũng với chức danh đó thì ở tỉnh Quảng trị khác so với Hà Nội. Cụ thể, theo Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, mức phụ cấp cụ thể đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố như sau:

- Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền:

+ Bí thư Chi bộ thôn, tổ dân phố: 1,2 lần mức lương cơ sở.

+ Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố: 1,2 lần mức lương cơ sở.

+ Trưởng ban công tác Mặt trận: 1 lần mức lương cơ sở.

- Đối với các thôn còn lại và tổ dân phố:

+ Bí thư Chi bộ thôn, tổ dân phố: 1,05 lần mức lương cơ sở.

+ Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố: 1,05 lần mức lương cơ sở.

+ Trưởng ban công tác Mặt trận: 0,9 lần mức lương cơ sở.

Có cơ hội tăng thêm thu nhập ngoài phụ cấp hàng tháng

Đáng chú ý, khoản 2 Điều 13 của Thông tư 13/2019/TT-BNV cũng nêu: UBND cấp tỉnh được trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức đối với người hoạt động không chuyên trách; người trực tiếp tham gia vào hoạt động ở thôn, tổ dân phố ngoài mức khoán nêu trên.

Tuy nhiên, phải đảm bảo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 163/2016, tức là trước khi quyết định về chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp.

Theo quy định trên, ngoài mức khoán phụ cấp như nêu trên, các địa phương có thể xem xét, quyết định các chế độ khác cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Như vậy, các đối tượng này có thêm cơ hội để tăng thu nhập ngoài phụ cấp được khoán hàng tháng do Ngân sách Nhà nước chi trả.

Tác giả: Hoàng Mai

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP