Nhiều loại thịt heo trên thị trường hiện chưa được công nhận là sản phẩm organic (hữu cơ), song các doanh nghiệp vô tư nhận tiêu chuẩn này và bán với giá cao ngất ngưởng.
Mỗi tên gọi, một mức giá
Cùng một sản phẩm thịt heo của một nhà cung cấp, nhưng ở mỗi điểm bán lại có một tên gọi khác nhau. Chẳng hạn, với mặt hàng thịt heo Bảo Châu đưa từ phía Bắc vào TP.HCM, tại cửa hàng Organicmart ( Bình Thới, quận 11) được giới thiệu là thịt heo hữu cơ với mức giá ngất ngưỡng. Thịt nạc mông 247.000 đồng/kg, ba rọi 253.500 đồng/kg, thịt mông sấn 222.000 đồng/kg…
So với thịt heo thông thường đang bán tại các chợ, siêu thị trên địa bàn, hầu hết thịt ở cửa hàng này có mức giá cao gấp đôi, gấp ba lần.
Tuy nhiên, cũng sản phẩm thịt heo Bảo Châu này nhưng bán tại chuỗi cửa hàng Organica (nơi khá rõ ràng trong việc phân biệt rõ sản phẩm nào là hữu cơ, sản phẩm nào chưa được chứng nhận), sản phẩm thịt này được ghi rõ là “thịt heo vi sinh”, bán với giá trung bình 223.000 - 254.000 đồng/kg tùy loại. Dù mức giá không chênh nhiều so với giá bán tại cửa hàng quận 11, nhưng các điểm bán đã gắn cho thịt heo này một tên gọi khác nhau.
Dù chưa được công nhận, nhưng các doanh nghiệp vẫn tự gắn mác hữu cơ lên thịt heo và bán giá cao ngất ngưỡng. Ảnh minh họa: N. Hữu.
Một thương hiệu khác là thịt heo Orfarm bán tại một cửa hàng trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) cũng được giới thiệu là thịt heo hữu cơ. Giá bán loại thịt này cũng cao ngất. Thịt nạc mông lên gần 270.000 đồng/kg, ba rọi khoảng 290.000 đồng/kg, những loại như nạc vai, nạc dăm đều ở mức 270.000-290.000 đồng/kg, ngang ngửa giá thịt bò.
Nhiều trang bán hàng online cũng đang rầm rộ bán thịt heo organic, với lời quảng cáo heo được nuôi hoàn toàn bằng ngũ cốc và uống nước sạch!. Mức giá đã khuyến mại vẫn cao hơn gấp đôi so với loại thịt đang bán tại các chợ, như ba rọi luôn ở mức 250.000 - 285.000 đồng/kg.
Khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng thực phẩm hữu cơ ở quận 1, quận 3 và quận 7, giá thịt heo được cho là hữu cơ thường được bán cao hơn 1,5 - 3 lần thịt heo thường. Nhưng bất chấp giá cao bất thường, loại thịt này vẫn được nhiều người tiêu dùng ủng hộ, vì lo ngại thịt heo ngoài chợ dùng chất cấm.
Việt Nam chưa có heo hữu cơ
Theo tìm hiểu, hai thương hiệu thịt heo hữu cơ đang được bán nhiều ngoài thị trường là Bảo Châu và Orfarm trên nhãn mác và website chỉ nói là heo được chứng nhận EM, tức chăn nuôi theo công nghệ vi sinh của Nhật Bản. Với hình thức này, quá trình chăn nuôi sẽ được xử lý thức ăn và xử lý môi trường. Và tổ chức EMRO-Nhật Bản cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm Organic Pork (hữu cơ), an toàn cho sức khỏe” chứ đây không phải là chứng nhận hữu cơ từ các tổ chức uy tín trên thế giới.
Tuy nhiên, bản thân những đơn vị sản xuất sản phẩm này tại Việt Nam vẫn quảng bá là thịt heo hữu cơ trên chứng nhận EM, dẫn đến không ít người tiêu dùng nhầm đây là thịt heo hữu cơ, hay thịt heo organic.
Các chuyên gia nông nghiệp khẳng định bằng mắt thường rất khó phân biệt đâu là thịt heo hữu cơ.
Tại hội thảo Nhận diện các sản phẩm hữu cơ tổ chức mới đây ở TP.HCM, đại diện một tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ đến từ Hong Kong, khẳng định EM không phải là tiêu chuẩn hữu cơ. Người bán đang lừa người tiêu dùng khi ghi chữ thịt heo hữu cơ trên sản phẩm.
Ở những quốc gia đã có luật định về khái niệm “hữu cơ”, sản phẩm hữu cơ dán nhãn riêng, với các ký hiệu được quy định và kiểm soát bằng pháp luật. Như các nước Âu - Mỹ quy định nhãn sản phẩm hữu cơ được ghi rõ bằng một trong số các từ: organic, bio, nature, eco, hoặc từ khác có liên quan đến hữu cơ. Các từ này cũng được nhà nước kiểm soát chặt chẽ trong tên thương mại của sản phẩm. Giá thành sản phẩm hữu cơ thường cao hơn 20-40% so với giá thành sản phẩm thông thường.
Nhưng tại Việt Nam hiện nay, theo nhận định của nhiều đơn vị kinh doanh sản phẩm này, đang xuất hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng bối cảnh chưa rõ ràng về hành lang pháp lý và nhận thức của người tiêu dùng để trục lợi.
Các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, dinh dưỡng vật nuôi đều cho rằng không thể phân biệt thịt heo hữu cơ với thịt heo được chăn nuôi thông thường bằng mắt thường. Tuy nhiên, heo hữu cơ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về con giống, nguồn thức ăn (bắp, đậu nành, rau, củ…) phải là các sản phẩm được canh tác hữu cơ, tuyệt đối không có các sản phẩm liên quan đến biến đổi gen. Không sử dụng thuốc kháng sinh và các loại chất tăng trọng…
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ năm 2006, Bộ đã có quyết định mang tên “Hữu cơ - tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến”. Nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc cấp chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. |
Tác giả bài viết: Nam Thiên
Nguồn tin: