Kinh tế

Mùa săn cá bông lau ở miền Tây Nam bộ

Sau Tết Nguyên đán, trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao trở nên náo nhiệt. Hàng trăm xuồng ghe của ngư dân thả lưới, bắt cá bông lau. Đây là loại cá da trơn thon dài, da trắng mịn, nổi bông phấn nên khi gặp ánh nắng mặt trời màu sắc ánh lên như bông lau. Cá bông lau thuộc loài di trú, đặc sản của dòng sông Cửu Long và được xếp vào loại quý hiếm.

Theo các ngư dân, từ cuối tháng hai đến tháng ba, cá bông lau xuất hiện nhiều trên các tuyến sông. Loài cá này thích sống ở những đoạn sông sâu, vịnh lớn, ngã ba sông và thường kéo nhau thành bầy kiếm ăn.

Thời điểm này, trên các tuyến sông Vàm Nao, sông Tiền và sông Hậu náo nhiệt hơn. Trời chưa chạng vạng, hàng trăm gia đình ở An Giang, Đồng Tháp, cù lao Tân Lộc (Cần Thơ) đã chèo ghe, bơi xuồng đi bủa lưới trên sông. Việc săn cá bông lau đối với họ đã trở thành nghề mưu sinh, truyền qua nhiều thế hệ.

Ngư dân thả lưới săn cá bông lau trong đêm trên sông Hậu.

Ông Phan Văn Chàm (70 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, An Giang), lão ngư chuyên bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao kể: trước đây cá nhiều vô kể. Người dân săn cá bông lau bằng nhiều cách, như: chài, lưới, câu cần và câu giăng. Mỗi đêm “vô mánh”, họ có thể bắt được hàng chục con, kiếm tiền triệu. Họ không chỉ bắt được cá bông lau, mà còn dính cá đuối, cá tra dầu, cá hô...

“Cá bông lau thường sinh sống ở giữa dòng, dây câu phải được giăng ngang sông, cứ cách vài giờ thăm, gỡ lưới một lần”, ông Chàm nói.

Dân câu cá bông lau đều nắm rất rõ quy luật về con nước, đặc tính của từng vùng, mồi câu để dụ được nhiều cá. Những ngư dân lâu năm quan sát mặt nước, bãi sông có thể đoán đoạn sông đó cá nhiều hay ít.

Hai mươi năm trước, gia đình bà Đoàn Thị Pha (ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) học nghề bắt cá bông lau từ các ngư dân ở Vàm Nao. Khúc sông Hậu qua cù lao Tân Lộc, cá bông lau nhiều vô kể, đã nuôi sống không ít gia đình no ấm.

Các con bà Pha cũng lớn lên từ nguồn thu nhập săn cá bông lau. Ban đầu, chỉ vài hộ đi bắt cá bông lau. Nhà này làm ăn được, nhà khác làm theo. Những lúc xuồng, ghe đông họ phải “chờ tài”, chớ không tranh giành nhau. Xuồng nào đến trước thì thả lưới trước, mỗi luồng lưới giăng trên sông cách nhau khoảng 200m.

Anh Nguyễn Văn Bảy kể, anh về làm rể nhà bà Pha được 17 năm. Thấy cha vợ có nghề giăng lưới cá bông lau, anh cũng học theo làm. Gần 20 mươi năm sống với nghề ngày, thu nhập đủ nuôi sống gia đình 4 người. Vào mỗi buổi chiều, chiếc xuồng chạy máy đuôi tôm của vợ anh Bảy xếp tài trên bến sông Hậu.

Cạnh bên của anh Bảy là các anh Đặng Văn Hên, Huỳnh Văn Hữu, vợ chồng chị Hoa... Xuồng giăng cá bông lau lúc nào cũng có hai người, gồm: vợ chồng, cha con hoặc anh em trong gia đình. Trời chập tối, nước bắt đầu ròng thì anh Bảy nổ máy đưa chiếc xuồng tiến ra giữa dòng sông Hậu. Tiếng máy nhỏ dần, người vợ bắt đầu thả lưới. Khoảng 30 phút, tay lưới dài hơn 200m đã được thả xong. Các xuồng của anh Hên, anh Hữu cũng thả lưới, giăng trên sông Hậu.

“Con nước này không có cá, thì phải đợi con nước vài giờ nữa vì đâu phải mẻ lưới nào cũng có cá”, anh Bảy nói. Đêm nay, vợ chồng anh Bảy gỡ lưới được con cá bông lau nặng 4,5kg. Cách xuồng anh Bảy chừng 200m, xuồng của anh Hên cũng bắt được con cá bông lau chừng 5kg. “Bây giờ cá ít nên, mỗi đêm thả lưới bắt được 2 con cỡ này là ngon”, anh Hên nói, rồi gỡ lưới cho cá vào xuồng.

Mỗi mùa thả lưới săn cá bông lau, người nào trúng cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Tại các xã cù lao huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), người dân vào mùa săn cá bông lau chừng một tháng nay.

“Những năm trước, mùa cá bông lau cũng kiếm được vài chục triệu. Anh em “cao tay”, mỗi đêm săn được vài con là chuyện thường nhưng không phải hôm nào cũng gặp may”, anh Phạm Thanh Hùng (41 tuổi, ngụ xã Tân Huề, huyện Thanh Bình) nói.

Khu vực săn cá bông lau ở cù lao dài hơn 2km. Những năm trước, cá còn nhiều nên khúc sông này có đến 40-50 xuồng, nay chỉ còn khoảng 20 đầu xuồng lớn, nhỏ quy tụ thả lưới. “Cá bông lau đang được giá cao nên hễ dính, alô là có bạn hàng chạy xuồng ra tận nơi cân”, ngư dân Phạm Văn Hoa (51 tuổi) nói.

Anh Nguyễn Văn Phương (43 tuổi), người chuyên thu mua cá đồng ở Đồng Tháp cho biết: cá bông lau thuộc loại “đắt hàng” và được khách ưa chuộng. Các ngư dân gỡ lưới được cá thì thương lái thu mua tận xuồng, sau đó bán cho các mối quen hoặc nhà hàng.

“Mỗi đêm, tui thu mua từ 5-10 con cá bông lau. Loài cá này được xem là đặc sản, giá cao được nhiều người ưa chuộng”, anh Phương nói. Theo các ngư dân, hiện nay nguồn cá ít đi nhiều nên số người trụ lại với nghề này không nhiều. Phần lớn, họ không có đất canh tác, gia đình khó khăn. Những hộ còn lại lên bờ mưu sinh, cầu cuộc sống ổn định hơn. Lớp thanh niên trai tráng thì lên các tỉnh, thành Đông Nam bộ làm công nhân.

Tác giả: Như Anh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP