Kinh tế

Mua hàng điện máy bị hành "lên bờ, xuống ruộng"

Không chỉ mua hàng qua mạng gặp khó khăn khi khiếu nại hàng kém chất lượng mà ngay cả mua hàng chính hãng tại siêu thị, trung tâm điện máy... cũng bị hành đến khi nào nản thì bỏ cuộc.

Ông Nguyễn Văn Tài (đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, TP HCM) khiếu nại Công ty Một thành viên Ti Ki về việc mua máy nước nóng qua mạng của doanh nghiệp này, với giá 1,099 triệu đồng (chưa tính tiền công lắp đặt 80.000 đồng). Máy không sử dụng được do không thể điều chỉnh và chỉ ra toàn nước nóng. Sau đó, công ty này cho thu hồi sản phẩm để khắc phục nhưng cứ hẹn nhiều lần cho dù khách chấp nhận đổi máy khác và bù thêm tiền. Sau thời gian dài, ông Tài mới tìm đến văn phòng Hội Bảo vệ Người tiêu dùng phía Nam khiếu nại và mất nhiều thời gian mới được giải quyết.

Còn ông Nguyễn Châu Phong (ngụ CMT8, quận 3, TP HCM) mua điện thoại Samsung Galaxy Note 5 qua trang web thương mại điện tử Lazada. Điện thoại được bảo hành 12 tháng nhưng sau một thời gian ngắn sử dụng thì điện thoại bị mất nguồn. Sau nhiều lần liên hệ (khoảng một tháng) phía Lazada mới phản hồi sản phẩm không được bảo hành miễn phí và yêu cầu ông thanh toán phí sửa chữa 1,5 triệu đồng. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng máy mất nguồn là do lỗi kỹ thuật thì bên bán hoặc nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm khắc phục cho khách.

Ông Tiểu Quốc Đạt (ở Hồng Bàng, quận 6, TP HCM) khiếu nại về việc mua iPhone 6S Plus với giá gần 14,5 triệu đồng phiên bản quốc tế của Công ty TNHH Thương mại Công Nghệ Bạch Long (quận 5), giao hàng máy bị lock (máy của nhà mạng nước ngoài) trong khi hóa đơn bán hàng ghi là hàng quốc tế, khi reset máy dẫn đến tình trạng bị khóa sim. Ông đã liên hệ nhiều lần đến nơi bảo hành nhưng luôn nhận được câu trả lời là chờ đợi mua mã code dùng để mở khóa nhà mạng. Theo văn phòng khiếu nại thì vụ việc này không giải quyết được mà phía bên bán còn có thái độ thách thức.

Bà Hoàng Mỹ Hạnh ở quận Tân Bình, TP HCM mua máy giặt Samsung tại siêu thị điện máy Phan Khang, với giá 14,678 triệu đồng. Khi máy hoạt động ở chế độ vắt thì phát ra âm thanh không bình thường. Nơi bán đã cho người xuống kiểm tra và thông báo vỏ ngoài máy giặt bị móp nên không chịu bảo hành, muốn sửa thì phải trả phí.

Hàng bị lỗi vẫn bán cho người tiêu dùng, đó là trường hợp của bà Vũ Thị Kim Thinh ở Hà Huy Giáp (quận 12) mua tủ lạnh LG tại Nguyễn Kim, với giá 19 triệu đồng (loại không đông tuyết, đông đá) nhưng khi sử dụng xảy ra hiện tượng đông đá, đông tuyết. Bà Thinh yêu cầu đổi tủ khác nhưng LG không đổi, chỉ cho người đến sửa (khoảng 10 lần) vẫn không khắc phục được.

Còn bà Hoàng Dên Tha Ni (ở Biên Hoà, Đồng Nai) mua máy triệt lông của Công ty Trinh Mỹ (quận 1, TP HCM), với giá 80 triệu đồng. Qua điện thoại, nhân viên tư vấn cho biết vì đây là máy nhập khẩu nên bà phải đặt cọc trước. Khi nào đóng đủ tiền công ty sẽ giao máy cũng như hướng dẫn sử dụng. Nhưng khi nhận máy, bà Ni mới biết hàng đã được bảo hành nhiều lần. Khi bà Ni khiếu nại, công ty Trinh Mỹ lại đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, không trực tiếp giải quyết và bỏ mặc khách hàng.

Văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng như văn phòng khiếu nại người tiêu dùng TP HCM đều cho biết người tiêu dùng mua hàng qua các trang mạng gọi điện thoại đến văn phòng khiếu nại rất nhiều. Khách hàng chủ yếu phản ánh về việc mua nhầm hàng kém chất lượng, hàng không đúng như hình ảnh cũng như thương hiệu mà những trang web này đưa lên. Tuy nhiên, khi yêu cầu đến trực tiếp để cung cấp các chứng từ cần thiết thì họ lại ngại mất nhiều thời gian cũng như chưa tin tưởng, do đó cũng chẳng giải quyết được gì.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phụ trách văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, cho biết luật pháp có nhiều quy định về bảo vệ người tiêu dùng, về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc xử lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại rất đa dạng. Thị trường đầy cạm bẫy, người tiêu dùng cẩn phải thận trọng, nếu không dễ bị lừa. Khi mua hàng hóa cần phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, biên nhận, kể cả chụp hình làm bằng chứng để khiếu nại khi có vấn đề. Nếu không có gì để chứng minh trong việc mua bán thì rất khó xử lý.

Trường hợp khiếu nại tại văn phòng khiếu nại người tiêu dùng vẫn chưa thể hòa giải được thì người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở cấp quận (cụ thể là phòng kinh tế nơi bán hàng) để được giải quyết tiếp. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể liên hệ tòa án dân sự để được giải quyết. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng có khiếu nại đều dừng lại ở các văn phòng khiếu nại, còn để kiện cáo ra tòa thì họ ngại phải đi lại mất nhiều thời gian, chi phí tốn kém.

Quà tặng nhưng phải đóng thuế

Ông Nguyễn Trí Cường (ở Chương Dương, quận thủ Đức, TP HCM), khiếu nại việc Công ty Đai Gia Hao tặng phần quà tri ân khách hàng trị giá khoảng 20 triệu đồng, bao gồm điện thoại Oppo N3, kính 3D, 2 gói viên nan, bao da nhưng phải đóng thuế 15% trị giá quà tặng. Tuy nhiên, thực tế điện thoại trên không phải Oppo mà là Dopod N3 trị giá chỉ khoảng 1 triệu đồng, trong khi thuế phải đóng cho họ là 2,58 triệu đồng. Ông yêu cầu công ty trên trả lại tiền nhưng bất thành.

Tác giả: Nguyễn Hải

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP