Nộm da trâu
|
Da trâu dày, cứng và dai, thường chỉ dùng làm da trống lại được người Sơn La tận dụng làm món nộm. Để giảm độ dai, người dân ở đây phải sơ chế da trâu qua những giai đoạn như hơ lửa, ngâm nước lã, lọc và đập da nhiều lần. Nộm da trâu được trộn với măng rừng và mùi tàu, ăn giòn sật, chua thanh rất lạ miệng.
Pa pỉnh tộp
|
Pa pỉnh tộp thực chất là món cá nướng gập. Để chế biến món này, người ta có thể sử dụng cá chép, cá trắm hoặc cá trôi. Cá được mổ bụng và nhồi các loại gia vị như gừng, sả, ớt tươi, rau mùi, húng, hành tươi, đặc biệt không thể thiếu mắc khén. Sau đó, người ta gập đôi cá lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đỏ hồng. Cá nướng không bị ám khói, vàng đều, tỏa mùi cay cay rất kích thích vị giác.
Xôi sắn
|
Xôi sắn là là món ăn quen thuộc của người Thái vùng Tây Bắc. Sắn bà con đào từ nương về bóc vỏ, rửa sạch rồi nạo thành từng sợi nhỏ trộn lẫn với gạo nếp cho vào chõ đồ lên.
Để xôi dẻo, nắm tay không dính, lâu thiu, bà con không dùng các loại chõ sành, chõ kim loại vì có nhược điểm thường gây ra “ướt xôi” không ngấm nước. Cái chõ này được làm bằng những khúc gỗ có đường kính nhỏ, gỗ mềm đem về cắt khúc, cưa rỗng giữa, tạo dáng đẹp như một đài hoa, thon nhỏ từ dưới lên trên, đáy chõ có hai thanh tre nhỏ để đặt tấm đan thưa đỡ gạo khi cho gạo vào chõ xôi. Phần chõ lại được đặt trên một cái ninh đồng, thay cho nồi. Dùng loại chõ gỗ có ưu điểm gỗ hút hơi nước lên, xôi chín dẻo, khô. Khi xôi chín bà con đổ xôi ra mâm, dàn mỏng dùng quạt, quạt cho xôi nguội nhanh. Rồi cho xôi vào các “giỏ” đan bằng mây có nắp đậy, có quai treo lên cột nhà. Đến bữa đem ra dùng hoặc đem đi làm nương ăn rất tiện. Thức ăn chỉ cần là gói muối ớt, hoặc con cá nướng.
Ốc đá suối Bàng
|
Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất.
Về đến nhà, những con ốc được rửa sạch và đưa lên bếp luộc. Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy dòn dòn, vị ngọt mát lan dần xuống cuống họng. Cái ngon ngọt, mát dòn của ốc đá là thế, không tanh nhưng có vị hăng, thơm của lá rừng. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo. Và cũng chỉ ăn theo kiểu thưởng thức, không nên vì ngon, lạ mà háo hức “ăn lấy no” như nhiều món khác.
Tác giả: Hướng Dương (TH)
Nguồn tin: tieudung.vn