Kinh tế

"Miếng bánh" 20 tỷ USD và nút thắt cổ chai của ngành du lịch

Mục tiêu ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD. Visa được đánh giá là chìa khoá vàng để mở "nút thắt cổ chai" cho du lịch Việt...

(Ảnh minh hoạ).

Du lịch tăng trưởng cao hàng đầu khu vực

Báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn, mà Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cho biết, kết quả bước đầu từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch, cùng với xu thế phục hồi lượng khách quốc tế đến khu vực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam duy trì đà tăng trưởng liên tục trong những năm vừa qua.

Năm 2017, ngành du lịch đón trên 12,9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 510 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo chỉ ra rằng, lần đầu tiên du lịch Việt Nam được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) đánh giá là quốc gia đứng đầu khu vực và là một trong 6 quốc gia hàng đầu thế giới có mức tăng trưởng du lịch cao.

Quý I/2018, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2017, khách du lịch nội địa đạt 23,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 161.600 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ trưởng nêu mục tiêu ngành du lịch phấn đấu đến năm 2020, du lịch Việt Nam thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, đóng góp 10% GDP, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.

Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác và Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Người đứng đầu ngành du lịch đánh giá: thời gian qua, ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hệ thống sản phẩm du lịch. Đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược với các dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng đẳng cấp quốc tế để tạo động lực lan tỏa, xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Sự gia tăng các khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng với nhiều khách sạn có quy mô và chất lượng quốc tế (4-5 sao) đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao và hiện đại.

"Nút thắt cổ chai"

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam hiện là một trong những nước có chính sách visa khắt khe, hiện mới chỉ miễn thị thực du lịch cho công dân 24 nước, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia miễn thị thực cho công dân 168 nước; Malaysia hiện đang miễn thị thực cho công dân 162 nước; tiếp sau là Singapore, Philippines miễn thị thực cho công dân 159 nước; Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 57 nước... Các nước này cũng đều áp dụng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử.

​Một dẫn chứng cụ thể nhất có thể kể tới về việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu - nhóm nước khách du lịch có tỷ lệ chi trả cao, số liệu thống kê cho thấy, ngay năm đầu tiên miễn thị thực (2015) đã có 720.000 lượt khách Tây Âu đến Việt Nam. Năm 2016, lượng khách này tăng lên 835.000 lượt, tăng 16%, doanh thu đạt 202 triệu USD.

Năm 2017, lượng khách Tây Âu đến Việt Nam đã cán mốc 1,5 triệu lượt người, góp phần làm nên kỷ lục của du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên cán mốc 12,9 triệu lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, ngày 30/6/2018 tới đây sẽ là thời hạn miễn thị thực cho 5 nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha) sẽ kết thúc, nhưng hiện nay Chính phủ vẫn chưa quyết định là sẽ gia hạn miễn thị thực hay sẽ dừng chính sách này.

Để ngành du lịch được cởi trói, cán mốc 18,5 triệu khách quốc tế, doanh thu 20 tỷ USD theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, nhiều địa phương, hiệp hội, bộ, ngành… gần đây liên tiếp kiến nghị Chính phủ tiếp tục miễn thị thực cho công dân năm nước châu Âu là Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Chia sẻ với báo giới mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để du lịch được cởi trói thì cần gia hạn miễn thị thực, đồng thời mở rộng các nước được miễn. Về thời hạn, nên miễn 5 năm để các công ty du lịch dễ dàng trong việc thiết kế các tour cho khách.

"Thời hạn 15 ngày rất khó thiết kế tour đối với khách chi trả cao, nghỉ dài. Việc không cho phép quay trở lại sau 30 ngày cũng nên huỷ bỏ, người ta vừa đi ra có quyền quay trở lại ngay, chúng ta chào đón họ cơ mà", ông Bình nói.

Còn theo TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch - hàng không, muốn có nhiều khách đến thăm nhà thì nhà mình phải dễ đến, muốn có nhiều khách hàng đến chỗ mình mua hàng, tiêu tiền thì chỗ mình phải dễ đến.

Theo đó, ngay trước mắt, ông đề xuất Chính phủ cần tăng số ngày miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa là Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản để phù hợp với độ dài các tour xuyên Việt và số ngày nghỉ phép của du khách.

Kéo dài thời hạn các chương trình miễn visa du lịch hiện đang là từng năm lên mỗi giai đoạn dài 5 năm hoặc tốt hơn nữa là dài 10 năm để các doanh nghiệp hàng không, du lịch yên tâm đầu tư đủ mạnh vào các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường.

Ông Nam cũng cho rằng cần bỏ quy định "mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày bởi quy định này vô hiệu hóa khả năng biến Việt Nam thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài. Ngoài ra, cần tiếp tục theo đuổi để hiện thực hóa ý tưởng "Một visa - Nhiều điểm đến" trong Tiểu vùng CLMV (Campuchia - Lào - Việt Nam - Myanmar) mà nước ta có vai trò quan trọng.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP