Đó là hoàn cảnh đáng thương của hai cháu Trần Văn Quốc Quy (sinh năm 2007) và Trần Văn Quốc Bảo (sinh năm 2013). Sinh ra trong một gia đình nghèo có mẹ là chị Nguyễn Thị Thu Hương (sinh năm 1979) và bố là anh Trần Quốc Kim (sinh năm 1975) trú tại căn nhà nhỏ thuộc thôn Tây Phú, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay từ nhỏ, 2 cháu đã được phát hiện mắc chứng tan máu bẩm sinh. Để điều trị căn bệnh này, chỉ có một cách duy nhất là phải chuyền máu hàng tháng để có thể tiếp tục sống và sinh hoạt bình thường.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn
Anh Kim chồng chị Hương là lao động chính của cả nhà. Trước đây, anh Kim làm đủ nghề để kiếm sống, kiếm tiền chữa bệnh cho con. Nhưng không may trong quá trình lao động, anh Kim gặp một tai nạn nhỏ khiến sức khỏe không còn như trước. Hiện tại, anh Kim đi chở nước thuê để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Chị Hương ngoài làm ruộng thì ở nhà chăm con và lo toan công việc trong nhà.
Gia đình chị còn có một người con gái là Trần Thị Quý (sinh năm 2008). Mặc dù chỉ mới học lớp 3 nhưng bé Quý đã phải đi phụ việc cho người dì bán tạp hóa kiếm thêm hộp bánh, hộp sữa để đỡ bớt gánh nặng cho cha mẹ. Với số lương ít ỏi là 2 triệu đồng/tháng mà anh Kim kiếm được, 2 vợ chồng cùng 3 người con nhỏ còn không đủ trang trải cuộc sống huống hồ là lo cho 2 người con trai đi chuyền máu và uống thuốc hàng tháng.
Gia đình chị Hương ở trong căn nhà tồi tàn và là hộ nghèo 10 năm qua |
Thế nên hàng tháng, chị Hương phải vay mượn bà con hàng xóm để có tiền mua thuốc và chuyền máu cho các con. Mỗi lần lên bệnh viện chuyền máu cho các con, chị cùng 2 con cũng chỉ ăn cơm từ thiện chứ cũng không dám mua cơm ngoài vì đắt đỏ.
Gia đình chị Hương thuộc diện hộ nghèo được 10 năm nay. Chính quyền địa phương đã nhiều lần thăm hỏi, giúp đỡ và động viên. Biết được hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, bà con lối xóm thương tình, người cho miếng cơm, con cá, người cho vay tiền để gia đình bớt phần gánh nặng. Ngoài ra, để mua thuốc chữa trị và chuyền máu cho con, gia đình đã phải vay thêm ngân hàng. Số tiền nợ lên đến gần 70 triệu đồng nhưng gia đình không có đủ khả năng để chi trả.
Chị Hương bên 2 con trai đã hơn trăm lần vào bệnh viện để chuyền máu |
Bệnh viện như ngôi nhà thứ hai…
Tháng nào cũng vậy, chị Hương lại cùng 2 con trai đến Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế để làm thủ tục chuyền máu cho 2 cháu. Bệnh tan máu là căn bệnh nguy hiểm và phải chuyền máu suốt đời. Tuy nhiên không phải lúc nào lên bệnh viện cũng được chuyền máu ngay mà có khi phải nằm đợi đến cả tuần vì số lượng máu tại bệnh viện còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, bệnh viện cũng như ngôi nhà thứ hai của 3 mẹ con.
Mỗi khi nhắc đến con, chị Hương rưng rưng nước mắt: “Mỗi lần thấy con đau ốm là cả nhà lại lo lắng, đứng ngồi không yên. Vì bệnh tan máu gây ra biến chứng nên 2 đứa yếu lắm, đau ốm suốt cô ơi. Hai cháu thường xuyên bị nhức đầu, chóng mặt, ăn chi cũng nôn ra hết, mặt mày xanh xao. Nhiều khi đang học phải xin về giữa chừng vì mệt quá. Riêng cháu út cứ mỗi lần đau là lại gào khóc dữ lắm làm lòng chị xót xa”.
Bệnh viện và các dây chuyền máu, thuốc men... đã quá quen thuộc với 2 em Quy, Bảo |
Chị Hương tâm sự thêm: “Nhiều khi nghĩ thấy con bị bệnh mà mình thương không kìm nổi nước mắt. Còn cháu gái ở nhà mà không dám cho đi khám vì cũng sợ phát hiện bệnh nữa thì khổ. Hai đứa con trai mắc bệnh chị đã chịu không nổi rồi, chừ con bé lỡ có mệnh hệ gì thì chị chỉ có chết thôi cô chú ơi.”
Khi hỏi han về bệnh tình của mình, em Quốc Quy hồn nhiên trả lời: “Mỗi lần có máu chuyền là con vui lắm, vì chuyền máu xong là người con bớt mệt hơn nhiều, con khỏe thì có thể phụ mẹ làm mấy việc lặt vặt trong nhà cho mẹ đỡ vất vả…”.
Theo BS.CK II. Châu Văn Hà, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp II, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh tan máu bẩm sinh hay Thalassemia là một triệu chứng rối loạn máu di truyền, trong đó cơ thể sản sinh ra một dạng Hemoglobin bất thường. Hemoglobin này chính là một phân tử của protein trong các tế bào hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy. Chính sự rối loạn này đã dẫn đến sự hủy hoại một lượng lớn các tế bào hồng cầu gây ra thiếu máu.
“Về trường hợp của hai em Quốc Bảo và Quốc Quy, bệnh tình của 2 em đã chuyển biến nặng nên phải chuyền máu hàng tháng và kèm uống thuốc thải sắt thường xuyên. Vì thuốc thải sắt không nằm trong bảo hiểm nên gia đình bệnh nhân phải tự mua ngoài. Nếu không chuyền máu và uống thuốc thải sắt đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng đến mặt trí tuệ và thể chất của hai cháu, từ đó gây ra nhiều biến chứng nặng nề như suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, suy nhược cơ thể” – BS Hà cho hay.
Từ lúc sinh ra, tuổi thơ Quy và Bảo đã bị bệnh tan máu bẩm sinh hành hạ làm cho các em ít có niềm vui trọn vẹn như bao người bạn cùng tuổi khác |
Giờ đây, chị Hương và gia đình rất mong muốn có thêm tiền để chữa trị cho 2 người con trai của mình. Mặc dù biết căn bệnh sẽ đeo bám các con suốt đời nhưng người mẹ trẻ vẫn không bao giờ từ bỏ hy vọng cứu sống con. Với chị Hương, còn sống ngày nào thì chị sẽ cố gắng chạy chữa bệnh cho 2 con ngày đó. Chỉ cần thấy các con cười, người mẹ trẻ sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2921: Chị Nguyễn Thị Thu Hương, thôn Tây Phú, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Điện thoại: 0164.626.6598 |
Tác giả: Bạch Châu – Đại Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí