Số hóa

Máy ảnh làm từ khoai tây

Nhiếp ảnh gia nghiệp dư người Albany, Colin Lowe đã biến một củ khoai tây thành máy ảnh và đi khắp nơi chụp hình với thiết bị này.

Chiếc máy ảnh ra đời từ một vụ cá cược khi một người họ hàng đã thách thức ông chụp ảnh với một củ khoai tây.

Được thiết kế dựa trên nguyên lý chụp ảnh qua lỗ kim (pinhole), nó được tạo thành từ một vỏ hộp thiếc đựng cà chua, nam châm tủ lạnh, hai hộp phim 35mm, băng dính camera (gaffer tape) và dây cao su.


Ông Lowe đã mang chiếc "máy ảnh khoai tây" này đi khắp nơi để chụp hình, cùng với một chiếc tripod. Ông thậm chí còn có một bức ảnh selfie từ chính sản phẩm độc đáo này.

"Tôi nhận được rất nhiều ánh mắt nghi ngại. Một vài người hỏi rằng đây có phải là trò đùa kiểu Cá Tháng Tư hay không", ông nói. "Nhưng khi nghe tôi giải thích, họ tỏ ra rất quan tâm".


Đây không phải là chiếc máy ảnh pinhole đầu tiên được người đàn ông này chế tạo. Cách đây hơn 20 năm, Lowe đã từng tạo ra một chiếc máy ảnh từ vỏ hộp ngũ cốc. Hiện ông đang thiết kế các máy ảnh mới làm từ rễ cây khô, máy xay sinh tố và hạt cây bao báp.

"Đó là một thách thức. Nó đẩy tới ranh giới để xem bạn có thể làm được những gì. Mỗi hình ảnh chụp được sẽ là duy nhất bởi vì bạn không bao giờ có thể tái tạo lại nó", ông Lowe chia sẻ. "Và không phải chờ đến khi xử lý phim để có thể nhìn thấy những gì bạn đã có".



Bức hình chụp từ máy ảnh khoai tây.

Bức ảnh selfie bằng máy ảnh khoai tây của Lowe.

Chụp ảnh qua lỗ kim (pinhole) là hình thức nhiếp ảnh đơn giản và "cổ" nhất cho tới nay do thiết bị ghi hình không hề chứa thấu kính như máy ảnh hiện tại.

Thiết bị ghi hình chỉ bao gồm một hộp kín được đục một lỗ rất nhỏ trên thành để ánh sáng lọt vào. Phía đối diện với lỗ đặt một màn hứng mờ để xem trực tiếp, hoặc sử dụng phim hay cảm quang (CCD) để thu ảnh. Lỗ nhỏ trên thành hộp (pinhole) đóng vai trò như một thấu kính máy ảnh với độ mở cực nhỏ. Thời gian phơi sáng khá dài, từ vài giây cho tới hàng giờ, thậm chí hàng tháng. Nắp đậy lỗ sáng đóng vai trò như màn trập, giúp ngăn không cho ánh sáng lọt vào thiết bị ghi nhận hình ảnh. Trong đa số trường hợp, nắp đậy này được vận hành bằng tay vì không đòi hỏi thời gian phơi sáng quá nhanh.

Ảnh pinhole hơi mờ và có thể bị đen góc (vignetting). Nói chung, để thành thạo người chụp phải biết nhiều về kiến thức vật lý, đặc biệt là các công thức liên quan tới bước sóng ánh sáng và khẩu độ của thiết bị quang học.

Tác giả bài viết: Bảo Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP