Kinh tế

Masan đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng tại Nghệ An

Khoản đầu tư chiến lược nhằm đưa Nghệ An thành thủ phủ nông nghiệp của Tập đoàn tại miền Bắc.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết, Nghệ An là một trong những địa phương chủ lực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu cho đơn vị này.

Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, Masan chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các nhà máy quy mô lớn sản xuất cả thức ăn chăn nuôi, thực phẩm nhằm hoàn tất kế hoạch 3F (Feed - Farm - Food: từ trang trại đến bàn ăn) - mô hình đang góp hơn 50% doanh thu và lợi nhuận của toàn tập đoàn.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Masan đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn gia súc Anco Nghệ An công suất 350.000 tấn một năm. Với diện tích 3,5ha, nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất tự động hiện đại nhập khẩu mới hoàn toàn từ châu Âu. Hiện nhà máy có công suất lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi.

Nghệ An là địa phương giúp Masan hoàn thiện mô hình kinh doanh 3F (từ trang trại đến bàn ăn).

Ngoài nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng và cám gia súc, cùng thời gian này, Masan khởi công xây dựng trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Masan Nutri-Farm tại xóm Côn Sơn (xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp).

Trang trại áp dụng khoa học công nghệ cao với mục tiêu nâng cao năng suất chuỗi giá trị từ thịt. Tổng mức đầu tư vào trang trại lên đến 1.000 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng được đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải hiện đại với 70% nước được tái sử dụng cho trang trại. Theo Masan, đây là dự án có quy mô và tầm cỡ đầu tư ngang tầm khu vực châu Á có khả năng cung cấp cho thị trường 250.000 con heo siêu nạc mỗi năm.

Việc hoàn thiện trang trại chăn nuôi này, cùng với việc đầu tư chiến lược vào Vissan; Masan đã hoàn tất mô hình kinh doanh "Từ trang trại tới bàn ăn” đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho các tỉnh phía Bắc. Tập đoàn đảm bảo mục tiêu cung cấp ra thị trường các loại thịt ngon, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá bán giảm một nửa giá thị trường thậm chí tương đương thịt heo Mỹ nhập khẩu.

Theo lãnh Masan, tập đoàn đang xây dựng dự án chế biến và phân phối các sản phẩm từ thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở các tỉnh phía Bắc hướng tới mục tiêu bằng giá ở Mỹ. Hiện mỗi người Việt Nam chi trả gấp đôi cho các sản phẩm từ thịt ngon, có thể truy xuất nguồn gốc (so với người Mỹ). "Do đó, khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng chỉ là bước đầu tiên trong hành trình lâu dài với Nghệ An", ông Quang cho hay.

Trước đó, hồi cuối năm 2015, tập đoàn xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại tại phương này. Với dự án này, Masan có thể giảm 5% giá thành so với việc vận chuyển sản phẩm từ nhà máy Bình Dương ra thị trường miền Bắc, đồng thời đáp ứng như cầu nhu yếu phẩm tiêu dùng rất lớn tại thị trường tỉnh.

Cùng thời gian, Masan khánh thành cụm công nghệ thực phẩm Masan Miền Bắc (Masan MB) trên diện tích 6,3ha với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc). Tại đây, Masan MB sản xuất mì ăn liền và nước mắm bằng dây chuyền thiết bị tự động, hiện đại với công suất 540 triệu gói mì một năm và 96 triệu lít nước mắm mỗi năm.

Tập đoàn xây dựng dự án chế biến và phân phối các sản phẩm từ thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở các tỉnh phía Bắc hướng tới mục tiêu bằng giá thịt heo ở Mỹ.

Theo Masan, chỉ trong 3 năm, Masan đã thực hiện cam kết đầu tư giai đoạn đầu tại Nghệ An lên đến 3.000 tỷ đồng. Ba dự án trên đi vào hoạt động sẽ tạo thêm hơn 1.000 việc làm trực tiếp tại địa phương và hàng chục nghìn việc làm gián tiếp; góp phần giúp GDP địa phương đạt hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.

"Về chiến lược dài hạn, Masan muốn Nghệ An thành thủ phủ hoạt động nông nghiệp của tập đoàn cho thị trường thịt heo miền Bắc", Chủ tịch Masan không giấu giếm tham vọng.

Ông cho biết, tập đoàn sẽ có những khoản đầu tư lâu dài vào tỉnh qua việc đưa ra các sáng kiến, áp dụng khoa học công nghệ cao và tập trung vào hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng nhằm biến Nghệ An thành “cụm sản xuất tập trung” của Masan ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Ngoài Nghệ An, ông lớn này cũng mở rộng kinh doanh tại nhiều địa phương như: Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Quốc...

Năm 2016, doanh thu của toàn tập đoàn đạt hơn 45.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD); đóng góp ngân sách nhà nước hơn 5.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài sản xuất kinh doanh, Masan cũng có nhiều hoạt động cộng đồng tại địa phương đặt nhà máy sản xuất như: kéo đường dây Internet và hoàn thiện 4 km đường tại xã Hạ Sơn (Quỳ Hợp); tài trợ máy tính cho 3 trường trung học trong huyện Nghi Lộc; nâng cấp khu vui chơi cho trẻ em Hạ Sơn...

Trong đợt bão lũ tại miền Trung cuối năm ngoái, tập đoàn ủng hộ hơn 7 tỷ đồng san sẻ khó khăn với bà con những vùng bị thiên tai tàn phá, trong đó có Nghệ An. Tập đoàn đang triển khai chương trình hỗ trợ đặc biệt cho cán bộ, công nhân viên người Nghệ An trở về quê hương làm việc.

Tác giả bài viết: Thanh Thư

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP