Bán kết lượt về Champions League 1999, Man Utd bị chủ nhà Juventus dẫn hai bàn chỉ sau 11 phút (lượt đi hòa 1-1). Thời bấy giờ, Juventus đang cực thịnh với ba năm liền trước đó vào chung kết. Ngược lại, Man Utd chỉ là đội bóng hạng khá, chưa có thành tựu gì đáng kể tại Champions League. Kết quả? Đội bóng của Alex Ferguson thắng ngược Juventus 3-2.
Ở trận chung kết sau đó gặp Bayern Munich, họ thực hiện một cuộc ngược dòng còn kỳ vĩ hơn thế để lên đỉnh châu Âu. Tác giả bàn ấn định tỷ số 2-1 là Ole Gunnar Solskjaer sau khi vào sân từ băng ghế dự bị.
Solskjaer phấn khích ghi ghi bàn trong trận thắng Bayern 2-1 ở chung kết Champions League 1999. |
Hôm qua, cũng ở Champions League, Man Utd lại lật ngược thế cờ. Solskjaer một lần nữa nhấp nhổm bên đường biên, chỉ khác ở việc ông mang giày tây, đeo cà-vạt chứ không phải đồ thi đấu như ở Nou Camp trong trận chung kết 20 năm trước.
Solskjaer đã vị trí khác, nhưng tinh thần quật khởi của Man Utd thì vẫn còn nguyên. Lịch sử giải đấu này, từ khi còn có tên là Cup C1 đã chứng kiến 106 trường hợp, khi đã thua sân nhà từ hai bàn trở lên thì lượt về chỉ còn có ý nghĩa thủ tục. Sân Parc des Princes và Paris hôm qua như đợi chờ nạn nhân thứ 107. Các nhà chuyên môn, trong đó có một số danh thủ Man Utd, đều khẳng định "Quỷ Đỏ" không có cơ hội.
Nhưng trong cuộc họp báo trước trận, khi được hỏi về cơ hội đi tiếp, Solskjer đáp: "Năm 1999, ai cũng bảo Man Utd không thể ngược dòng". Câu nói đó tưởng như chỉ là một động thái lên dây cót tinh thần cho cầu thủ. Chiếc xe buýt chở họ đến sân Parc des Princes hôm qua thậm chí còn được ví như xe của... nhà trẻ, vì trong tay Solskjaer là một loạt cầu thủ non nớt, trong đó có người mới lần đầu được gọi lên đội một. Đấy là hệ quả từ việc Man Utd vắng đến 10 cầu thủ trụ cột vì chấn thương, trong khi ngôi sao số một Paul Pogba bị treo giò.
Với cú đá phạt đền thành công của Rashford ở phút 94, Man Utd đã đảo chiều lịch sử Champions League, nơi 106 đội trước đó đều dừng bước vì thua hai bàn cách biệt ở trận lượt đi vòng knock-out trên sân nhà. |
Nhưng những điều kỳ quái vẫn xảy ra, nếu có Solskjaer. Cơn mưa lất phất ở Paris khiến bản anh hùng ca của "Quỷ Đỏ" thêm phần bi tráng. Nó đưa người xem qua đủ cảm xúc, vì ở đó có sai lầm của người thủ môn vĩ đại - Gigi Buffon, có VAR, có những pha trượt ngã vô duyên của Kylian Mbappe, và kết thúc với một cú sút mang trọn niềm tin của chàng trai đôi mươi Marcus Rashford trên chấm phạt đền phút bù giờ.
Trên các diễn đàn, nhiều người cho rằng PSG đã tự thua nhiều hơn. Nhưng dù có hạ thập bản lĩnh của PSG ở Champions League bao nhiêu, dù có không thích Man Utd đến cỡ nào, có một thực tế được thừa nhận: chỉ "Quỷ Đỏ" mới đủ khả năng tạo ra những màn trình diễn lạ lùng như thế. Và bóng đá chẳng phải hấp dẫn chính bởi những điều lạ lùng, vượt ra khỏi mọi quy luật đó sao?
Khi Man Utd bốc phải lá thăm vòng 1/8 ghi tên PSG, chính Solskjaer cũng ngán ngẩm. Khi ấy đội bóng đang suy kiệt niềm tin sau thời gian bết bát dưới thời Jose Mourinho. Solskjaer đã làm mọi cách để mang nụ cười trở lại. Để rồi sau mạch trận tưng bừng, họ nhận liền thất bại 0-2 ở lượt đi trong một buổi tối bạc nhược, mệt mỏi và cạn kiệt ý tưởng ở Old Trafford.
Vậy mà tại Paris, họ thể hiện một gương mặt khác. Đấy là một tập thể biết chiến đấu và bảo vệ thành quả như những bậc đàn anh. Văn hóa của Man Utd vốn dĩ là chiến đấu, chứ không phải chiến thắng. Họ đã chiến đấu để luôn tìm cách trở lại, dù là sau một thảm họa máy bay ở Munich, sau những cơn khô hạn tài năng và danh hiệu. Man Utd có thể thiếu ngôi sao, thiếu hào quang nhưng không bao giờ thiếu lửa. Và vì ngọn lửa ấy, PSG, dù kiểm soát bóng tới 68%, tạo ra vô số cơ hội, vẫn không cách gì ghi được bàn thắng kết liễu.
Solskjaer quả quyết Man Utd muốn thắng PSG 4-2 để đi tiếp, và trên thực tế, đội của ông chỉ làm được gần như thế. Nhưng 3-1 cũng là đủ để Man Utd làm nên điều thần kỳ. |
Tiền nhiều để làm gì? Đấy là một câu hỏi nhức nhối. Vì tiền, với trường hợp của PSG, không thể mua được đẳng cấp ở sân chơi châu Âu. Họ có thể là ông kẹ ở nước Pháp, nhưng chỉ là gã trọc phú giàu mà không sang khi bước ra đấu trường đẳng cấp. Mùa giải 2016-2017, họ từng thắng Barca 4-0 ở lượt đi, nhưng sau đó thảm bại 1-6 ở lượt về. Trái lại, Man Utd, dù là một quý tộc lạc thời, vẫn giữ được nét tinh anh được trau dồi bởi bao thăng trầm lịch sử. Lịch sử là thứ tiền không mua được.
Đã có lúc lịch sử ấy ngỡ trầm khuất dưới lớp bụi thời gian. Mourinho, Louis van Gaal và David Moyes đã khiến cho thế giới bóng đá gần như lãng quên những trang sử ấy. Nhưng Solskajer, một chứng nhân ngày xưa, đã trở lại. Trên sân Parc des Princes, chỉ với năm cú sút Man Utd ghi được ba bàn. Rõ ràng, "Quỷ Đỏ" chiến thắng chẳng phải vì họ mạnh hơn, chiến thuật hay hơn hoặc cầu thủ giỏi hơn.
Trong cuộc sống này, kẻ chiến thắng sau cùng rốt cục chẳng phải kẻ mạnh hơn, nhanh hơn hay giỏi hơn, mà chính là kẻ tin mình sẽ làm được!
Tác giả: Hoài Thương
Nguồn tin: Báo VnExpress