Tin địa phương

Mạch nguồn động lực để Đà Nẵng bứt phá

Những ngày tháng Tư, hòa cùng mạch nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc, đối với người dân Đà Nẵng, đây là dịp để đánh giá lại những thành quả đã đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố. Cùng với nền tảng cốt lõi của Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành, đây là cơ hội, là động lực giúp Đà Nẵng bứt phá, sớm trở thành trở một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông-Nam Á.

Diện mạo đô thị hiện đại Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Từ vùng lõi cách mạng Hòa Vang

Với Đà Nẵng, mảnh đất cách mạng Hòa Vang như một mạch nguồn về sức mạnh, sự chịu khó, chịu khổ và lòng biết ơn các thế hệ cha ông đi trước đã không tiếc máu xương, hy sinh. Chúng tôi có dịp về nguồn thăm lại vùng căn cứ địa cách mạng Hòa Vang, ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Thăm lại Di tích lịch sử quốc gia - Khu căn cứ Huyện ủy Hòa Vang, nơi ghi dấu nhiều chiến công hào hùng của quân và dân Đà Nẵng. Mảnh đất khô cằn từng bị đạn bom giặc cày xới năm nào giờ đã mát xanh một màu của ấm no, hạnh phúc. Nhiều ngọn đồi đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cây keo lá tràm, những khu vực nhà kính trồng rau công nghệ cao, trồng rau sạch… Trao đổi với chúng tôi, già làng Lê Văn Nghĩa, Bí thư Chi bộ thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang vui mừng khôn xiết với những đổi thay trên quê hương. Niềm tự hào ấy được chắt chiu, nuôi dưỡng từ mạch nguồn truyền thống anh dũng, kiên cường của quân và dân Đà Nẵng trong chiến tranh cách mạng; bằng sự lớn lên, trưởng thành của nhiều thế hệ trẻ đồng bào dân tộc Cơ Tu hôm nay.

Già làng Lê Văn Nghĩa là người có đóng góp rất nhiều cho cộng đồng đồng bào Cơ Tu, cho an sinh xã hội. Ông đã hiến hơn một nghìn mét vuông đất mặt tiền để xây dựng Trường Tiểu học Hòa Phú, với tâm nguyện giúp con em đồng bào có nơi chốn học tập đàng hoàng. Ông là người đi đầu trong việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu, là người tiên phong quyết làm kinh tế để đổi thay cuộc sống. Ông Nghĩa tâm sự: “So với trước đây, vùng đất này đã đổi thay rất nhiều. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, từ nguồn vốn làm kinh tế đến các phương tiện nghe nhìn, điện, đường, trường, trạm. Nhờ đó, đời sống của đồng bào được nâng lên. Các tập tục xưa cũng đã thay đổi nhiều để phù hợp với cuộc sống văn minh, hiện đại”.

Quảng bá hình ảnh Đà Nẵng - Việt Nam tại hội chợ du lịch nghĩ dưỡng tại Đà Nẵng. Ảnh: ANH ĐÀO

Nhìn lại lịch sử địa phương và công cuộc phát triển hôm nay, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết: Trong kháng chiến, Hòa Vang là vành đai bảo vệ, là căn cứ cách mạng của Đà Nẵng. Hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, hiện Hòa Vang đang là mảnh đất, là nguồn dự trữ về nguyên liệu, đất đai để TP Đà Nẵng phát triển. Đây cũng là huyện thuần nông duy nhất của TP Đà Nẵng. Hiện, trên địa bàn đã hình thành một số khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công nghệ thông tin, các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong tương lai, lãnh đạo huyện Hòa Vang xác định huyện tập trung phát triển du lịch sinh thái, thể thao, nhằm góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng. Qua tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, điều đáng mừng là mức sống trung bình của người dân đã tăng lên gấp hai lần so với khi chưa thực hiện chương trình, với mức bình quân khoảng 48 triệu đồng/người/năm. Trong tương lai, theo định hướng đầu tư và phát triển của TP Đà Nẵng về phía nam, thì Hòa Vang có điều kiện tốt nhất vừa khai thác quỹ đất, vừa phân bố lại dân cư, tạo điều kiện góp phần xây dựng thành phố phát triển bền vững.

Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng tập trung đầu tư mạnh cho văn hóa, từ con người, kinh phí, thiết chế; tạo nên một diện mạo mới cho văn hóa Đà Nẵng. Tuy nhiên, để văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng có thể thấy rằng, mạch nguồn lịch sử, văn hóa sẽ là những trụ cột để Đà Nẵng tiếp tục phát triển cân bằng. Có thể thấy, từ những đổi thay của huyện Hòa Vang và các quận trên toàn thành phố, cùng với việc chính quyền thành phố tiếp tục chỉ đạo, điều hành thành phố vượt qua những thách thức, khó khăn, Đà Nẵng sẽ là mảnh đất phát triển hài hòa, nhân văn, nhân ái. Như nỗ lực bao năm qua của người dân về sự đồng thuận, chung tay cùng xây dựng quê hương. Những ngày này, Đà Nẵng tiếp tục đón hàng nghìn người dân, du khách từ nhiều nơi đến tham quan, du lịch. Tại những địa chỉ đỏ về lịch sử, di tích, văn hóa Đà Nẵng, rất đông người đến tham quan thắp những nén tâm hương tri ân các Anh hùng, liệt sĩ… Bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa đó là niềm tự hào giúp người Đà Nẵng vững tâm hơn để bước tiếp chặng đường phía trước.

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM.

Bước đột phá mới cho Đà Nẵng

Với vị thế trung tâm, Đà Nẵng đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế, tăng tính kết nối, phát huy vai trò trung tâm của miền trung, đô thị lớn của cả nước, tạo sức lan tỏa thúc đẩy liên kết vùng với nhiều giải pháp thiết thực, tạo điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật kinh tế biển được bảo đảm; mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề bước đầu khẳng định vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho các địa phương trong khu vực. Những năm qua, Thành phố tạo dấu ấn tốt đẹp với nhiều nhà lãnh đạo quốc tế và du khách nước ngoài khi tổ chức thành công các sự kiện lớn như: APEC 2017, Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017, Tọa đàm mùa xuân 2018, 2019, triển khai “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”… Kết quả, giai đoạn 2016 đến 2020, tổng vốn đầu tư phát triển huy động ước đạt 200.300 tỷ đồng, tăng 7,7%/năm; năm 2020 ước đạt 47 nghìn tỷ đồng, gấp 1,3 lần so năm 2016, chiếm 44,3% GRDP thành phố. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng được ghi nhận là điểm đến an toàn, thân thiện, sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đẳng cấp.

Đà Nẵng xây dựng thành phố thanh bình, đáng sống. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Đà Nẵng đã thu hút được nhiều nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, thực hiện linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách với các cách làm mới, sáng tạo, phù hợp thực tiễn của kinh tế thị trường, phát huy cao nhất nội lực với một khát vọng lớn đưa Đà Nẵng trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền trung và của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thành phố bắt đầu xuất hiện các “điểm nghẽn” cho tăng trưởng như: quy mô nền kinh tế nhỏ; cơ sở hạ tầng quá tải, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, khó khăn về mở rộng không gian phát triển, đặc biệt là quy hoạch đô thị trong bối cảnh mới. Từ thực tiễn đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông-Nam Á, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung - Tây Nguyên, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, hoạch định chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch TP Đà Nẵng, với một mô hình phát triển mới, với các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để thành phố phát triển nhanh, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng: Để đạt được mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 đến 2030 phải hơn 12%/năm. Có thể nói đây là tốc độ tăng trưởng rất cao so với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ này cũng thể hiện khát vọng tăng trưởng nhanh của thành phố và kỳ vọng rất lớn của T.Ư đối với thực hiện vai trò động lực, có sức lan tỏa của Đà Nẵng đối với khu vực. Nghị quyết nhấn mạnh đến chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển năm lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản và nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn xây dựng đô thị sáng tạo và khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn xây dựng nền kinh tế số và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. “Với những mục tiêu quan trọng này, Bộ Chính trị đã thống nhất cao, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thật sự “cởi trói”, xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng tạo động lực cho phát triển khu vực miền trung - Tây Nguyên và cả nước”, đồng chí Võ Công Trí nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng thành phố lâu nay đã có sự bứt phá nhất định, đã hình thành đô thị tương đối theo hướng hiện đại. Đáng chú ý, thành phố đang xây dựng một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới về cơ chế xây dựng mô hình quản trị có hiệu quả. Nghị quyết 43 sẽ tạo luồng gió mới, mang lại niềm tin phù hợp khát vọng của người dân Đà Nẵng. Đồng quan điểm này, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, tâm đắc: T.Ư đặt nhiều hy vọng vào Đà Nẵng là thành phố đầu tàu, động lực ở miền trung và Tây Nguyên, là thành phố đáng sống. Để đạt được mục tiêu ấy là cả chặng đường dài, nhất là còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. “Để người dân Đà Nẵng giữ và phát huy được lửa nhiệt tình thì Đảng bộ phải đổi mới, sáng tạo nhiều trong công tác vận động quần chúng, cũng như thực hiện quy hoạch. Tôi tin rằng TP Đà Nẵng sẽ phát triển xứng tầm kỳ vọng”, đồng chí nói.

Năm 2019 là năm Đà Nẵng phải “xốc” lại toàn bộ, tháo gỡ các “điểm nghẽn” và tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Muốn vực Đà Nẵng trở lại trục phát triển chính, Đà Nẵng rất cần một đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm cao, xứng tầm, đoàn kết thống nhất, vì dân, tạo được sự đồng thuận trong dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm trong phát triển kinh tế-xã hội. Để cùng với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng sẽ là trung tâm động lực năng động kéo cả khu vực miền trung phát triển, hội nhập bền vững.

Cầu vàng Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM

Giai đoạn 2016 đến 2020, tổng lượng khách du lịch đến thành phố ước đạt 37 triệu lượt, tăng bình quân 14%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 8,385 tỷ USD, tăng 12%/năm; sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định; tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước tăng 8%/năm; năm 2020 ước đạt 84.770 tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với năm 2016; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 3.936 USD, gấp 1,4 lần năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp. Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển; hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả.

(Nguồn: Báo cáo của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng)

Tác giả: NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

Nguồn tin: Báo Nhân dân

  Từ khóa: động lực , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP