Đây là văn bản được ngành văn hóa Thủ đô đưa ra sau những lùm xùm về cảnh tranh giành, cướp lộc ở Chùa Hương và hội Gióng ngày khai hội.
Sở VHTT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã triển khai tốt một số nhiệm vụ như: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội. Xây dựng kế hoạch chi tiết, đảm bảo an toàn cho các hoạt động diễn ra tại lễ hội.
Đối với các lễ hội có tổ chức đoàn rước qua sông, đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức phân luồng, tuyến tàu thuyền qua sông đảm bảo không xảy ra ùn tắc, va chạm, bố trí đầy đủ phao cứu sinh, xuồng cứu hộ, lực lượng cứu hộ, cứu nạn thường trực trong quá trình tổ chức.
Trước đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2017 cho biết: Sư thầy Thích Đạo Trụ (người phát lộc gây phản cảm tại lễ hội Chùa Hương) đã bị Thương Tọa Thích Minh Hiền (Sư trụ trì chùa Hương) phạt quỳ hương ngay từ đêm 2/2. Ban quản lý di tích Chùa Hương cũng đã yêu cầu sư thầy Thích Đạo Trụ sám hối sau sự việc nói trên.
Trả lời báo chí về việc cướp lộc ở chùa Hương, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho rằng: Mọi năm vẫn có việc phát lộc nhưng nó ở phạm vi trong chùa, không ra ngoài không gian lễ hội như vậy. Việc này không nằm trong kịch bản của lễ hội chùa Hương. Hành vi tung lộc như thế là không được.
Theo bà Trịnh Thị Thuỷ, Cục ngay lập tức đã có chỉ đạo về Sở VHTT để yêu cầu làm rõ, chấn chỉnh hoạt động này. Người đứng đầu Cục Văn hoá cơ sở cho hay, năm nào cũng vậy, bắt đầu từ trong Tết, tháng 10 trở đi, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức lễ hội. Hội Gióng cũng là một ví dụ điển hình bởi bản thân lễ hội này là cướp lộc (cướp hoa tre). Và để việc cướp lộc như thế nào để không xảy ra bạo lực, Bộ đã chỉ đạo rất rõ ràng. Tuy nhiên, khi thực hành vẫn có những tình trạng tranh cướp không được lòng dư luận.
“Hành vi như thế là không được. Để hay là bỏ lễ hội Gióng cũng được đưa ra trong các buổi họp trước đây. Đây là lễ hội được công nhận, tục cướp hoa tre thì có từ lâu đời. Đã là cướp thì ai cũng muốn cướp cho bằng được lộc. Tuy nhiên, tới đây, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhân dân và các nhà nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp hơn nữa. Mỗi mùa lễ hội có bất cập thì mình lại tiếp tục điều chỉnh, bao giờ phù hợp thì thôi", bà Thuỷ bày tỏ.
Tác giả bài viết: Nhất Nam
Nguồn tin: