Đó là hoàn cảnh đáng thương của bà Hà Thị Phượng (SN 1957, trú tại khối Bằng An Trung, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Bà Phượng phải nhập viện lần hai vì chân bị nhiềm trùng nặng nhưng không có tiền đóng viện phí phải đi xin từng đồng của mọi người |
Gia cảnh nghèo khó, một mình bà phải bươn chải từng đồng để nuôi hai đứa con khôn lớn nên người. Thức dậy từ lúc 4 giờ sáng và chỉ xong công việc đồng áng đã là lúc hơn 10 giờ đêm. Bà chưa từng nề hà việc gì chỉ cần có tiền lo cho con nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Tai họa ập xuống khi bà bị trượt chân té ngã, chân sưng phồng phải nhập viện để bó bột và thăm khám. Nằm được vài ngày, đến khi trong túi không còn lấy một đồng, bà đành phải trốn viện về nhà.
Những hóa đơn viện phí được thanh toán đều dựa vào sự quyên góp, hỗ trợ của mọi người nhưng những ngày điều trị sắp tới bà sợ không có tiền để tiếp tục chữa bệnh vì không thể cứ mãi xin người khác |
Ở nhà chưa được mấy ngày, gia đình cùng hàng xóm phải đưa đi cấp cứu vì chân bị nhiễm trùng sưng to. Đến viện nhưng trong người lại không có nổi một đồng đóng viện phí, thương tình bà con hàng xóm gom góp người chút ít để bà đóng tiền nhập viện.
Nằm viện hơn 1 tháng cũng là chừng đó thời gian bà phải sống dựa vào sự trợ giúp của hàng xóm, mọi người trong bệnh viện quan tâm giúp đỡ.
Bà Phượng chia sẻ: “Tôi nhập viện nhưng không có nổi một đồng trong túi, số tiền tôi nộp viện phí đến giờ này đều là nhờ hàng xóm, mọi người thương tình giúp đỡ. Ở đây toàn ăn cơm từ thiện, còn ngày không có thì con gái tôi nó mang vô, nó nấu sống hay cháy mình đều cố gắng mà nuốt thôi chứ tiền đâu mua cơm. Có lúc thấy tôi ăn khổ quá mọi người lại thương tình mua cho mình một hộp cơm khác ăn đỡ qua bữa (con gái bà mắc bệnh tâm thần phân liệt, lúc tỉnh lúc mê- PV)”.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ già yếu cùng đứa con điên dại là nỗi lo day dứt của bà |
Bà cho biết, mình không thuộc diện hộ nghèo nên không có bảo hiểm cho hộ nghèo, mà bà làm quần quật mới đủ ăn thì làm gì quan tâm đến mua bảo hiểm nữa. Nay đổ bệnh ra thì tiền không có, mỗi lúc đóng viện phí là lúc bà rất lo lắng.
“Nhiều khi tôi muốn bỏ điều trị về nhà thì mọi người lại khuyên chữa xong bệnh rồi về, có gì mọi người gom góp giúp đỡ. Mới vừa rồi bệnh viện yêu cầu nộp thêm 2 triệu đồng nhưng không có tiền, tôi phải vay đỡ chị đang chăm sóc chồng tại đây. Giờ tôi chỉ sợ không có tiền trả lại cho họ, rồi còn những ngày tháng nằm viện sau này lấy tiền đâu tiếp tục”, cô Phượng buồn bã cho biết.
Bà Lê Thị Tâm (người nhà bệnh nhân nằm cùng khoa với bà Phượng) cho biết: “Thấy hoàn cảnh cổ tội nghiệp nên người nhà bệnh nhân cùng các y bác sĩ tại đây rất thương cảm, mỗi người cũng giúp chút ít để cô ấy tiếp tục điều trị. Nhiều lúc thấy cô con gái của cổ mang cơm vào cho mẹ nhưng sống quá ăn không nổi, thế là tôi hoặc mấy người khác ra mua cho cổ hộp khác ăn đỡ chứ như thế sao nuốt nổi”.
Đứa cháu ngoại dù mới một tuổi rưỡi nhưng nhiều lần chịu sự hành hạ của mẹ mỗi lúc lên cơn |
Để hiểu hơn về hoàn cảnh bà Phượng, chúng tôi tìm đến nhà bà. Căn nhà của bà nằm cạnh nhà tình nghĩa của cha mẹ ruột, tiêu điều và vắng lặng. Chiếc giường tre đơn sơ nằm ngổn ngang giữa nhà với đủ loại quần áo vắt ngang dọc.
Chỉ vào đứa bé nhỏ nhắn với cái trán sưng vù vì nhiều lần mẹ lên cơn lại ném xuống đất, bà Lê Thị Hường (SN 1933) cho biết, đó là thằng cháu gọi tôi bằng cố, nó là con của cháu Hồng (tên đầy đủ là Hà Thị Kim Hồng SN 1990, con gái bà Phượng).
Bà Hương nói, bà Phượng cũng có chồng, sinh được 2 đứa con rồi đến đứa thứ ba thì sẩy thai. Sau đó hai vợ chồng ở không được phải ly dị, chị Hồng quay về nhà mẹ đẻ tá túc. Hai đứa con đầu thì nhà nội nuôi, nào ngờ lúc đó chị Hồng lại đang có thai hơn 1 tháng.
Đơn của gia đình gởi Báo Dân trí nhờ giúp đỡ |
“Phượng phải cực khổ gấp bội vì vừa phải kiếm tiền nuôi con trai rồi nuôi thêm đứa con gái đang mang thai cháu ngoại. Nó cực khổ lắm, có thể nói là khổ nhất nhà, mà anh em nó thì đều nghèo cả nên chẳng giúp được gì”, bà Hương nói.
Khi sắp sinh thì cháu Hồng phải nhập viện vì sinh khó, bác sĩ khuyên gia đình nên bỏ đứa nhỏ để cứu mẹ vì đứa bé quá yếu không giữ được. Thương con, xót cháu cô chú nó bàn nhau nên chuyển ra Bệnh viện sản - nhi Đà Nẵng. May thay, lúc đó mới cứu được cả hai mẹ con. Nhưng từ ngày sinh con xong, cháu Hồng nó cứ lơ ngơ lúc mê lúc tỉnh.
Đơn xác nhận gia đình khó khăn của địa phương |
“Lúc lên cơn, cháu Hồng nó không kể ai cả, ngay cả ông ngoại nó cũng lấy cây phóng rồi còn cắn tôi chảy máu phải đi bệnh viện may vết thương. Tội nhất là thằng con trai nó, mỗi lúc lên cơn nó cứ bảo không phải con nó rồi ném thằng bé như đồ chơi vậy. Đợt lũ vừa rồi đây, nó bỏ thằng nhỏ lên giỏ xe đạp rồi chở khắp nơi trong khi nước đang lớn. Cả nhà tôi rồi huy động thêm họ hàng, làng xóm nháo nhác đi tìm chỉ sợ nó đem thằng bé ném xuống nước thì khổ.
Nó lúc tỉnh lúc mê, lúc tỉnh cũng biết nói xin lỗi tôi đấy rồi còn nấu cơm đem đi viện cho mẹ. Biết nó nấu khó ăn nhưng nó không làm thì ai mà làm cho, vợ chồng tôi già yếu cả rồi chỉ biết ngày ngày trông thằng bé chỉ sợ mẹ nó lên cơn rồi làm bậy”, bà Hường nghẹn ngào chia sẻ.
Nói về hoàn cảnh gia đình bà Phượng, bà Thân Thị Học (Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Điện An) cho biết: “Địa phương cũng thấu hiểu và quan tâm đến hoàn cảnh của gia đình chị Phượng. Con gái chị mắc bệnh tâm thần, lúc lên cơn thì đánh người rồi ném đứa con trai mới một tuổi rưỡi xuống đất nhiều lần. Giường chiếu, quần áo cũng xé rách rồi ném lung tung mọi người lại mua đến tặng.
Con trai chị ấy thì đang làm công nhân, nhưng đồng lương ít ỏi không đủ chi tiêu. Chị Phượng nằm viện nhưng không có tiền chữa trị, phải xin từng đồng để nạp viện phí. Mong các mạnh thường quân quan tâm giúp đỡ để chị có thể tiếp tục điều trị”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2765: Bà Hà Thị Phượng (SN 1957, trú tại khối Bằng An Trung, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). SĐT: 01289751857 |
Tác giả: N.Linh-C.Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí