Pháp luật

Luât sư phân tích vụ giả danh phóng viên tống tiền doanh nghiệp

Nếu hai nghi phạm là cộng tác viên, nhân viên của báo Bảo vệ Pháp Luật, họ nhân danh báo này đi làm việc thì sẽ không gọi là “giả danh”, hiện nay không có tội giả danh, chỉ có tội “giả mạo trong công tác”.


3
Nghi phạm tại cơ quan điều tra

Mấy ngày qua dư luận xôn xao trước thông tin hai người giả danh phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật tống tiền doanh nghiệp vừa bị bắt tại Yên Thành, Nghệ An, phóng viên DĐDN có buổi trò chuyện cùng với luật sư Đặng Văn Cường xung quanh vấn đề này:

– Trước thông tin 2 người giả danh phóng viên tống tiền doanh nghiệp vừa bị bắt tại Yên Thành, theo Luật sư 2 người này có thể sẽ bị truy tố theo tội danh gì ?

Theo thông tin báo chí phản ánh vừa qua thì hai người bị công an huyện Yên Thành, Nghệ An bắt giữ vào ngày 02/4/2016 có thể sẽ bị khởi tố theo quy định tại Điều 135 Bộ Luật Hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên, với thông tin ban đầu nêu trên thì vụ việc chỉ là nghi vấn có dấu hiệu hành vi phạm tội, chứ chưa thể kết luận ngay là hai người kia có tội hay không.

Vì vậy, cơ quan điều tra phải tiến hành các thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật để chứng minh hành vi phạm tội và các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh này và tòa án mới là cơ quan phán xét các nghi phạm trên có tội hay không.

– Xin luật sư cho biết những dấu hiệu cơ bản để có thể truy tố về tội danh này là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điều 135 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, theo đó “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.

Như vậy, ngoài những dấu hiệu về chủ thể phải đủ năng lực hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định thì về mặt khách quan của tội “Cưỡng đoạt tài sản” phải thể hiện hai hành vi khách quan là:

Hành vi thứ nhất có tính chất uy hiếp, tác động vào ý chí của người bị hại khiến người bị hại hoang mang, lo sợ.

Hành vi thứ hai là hành vi chiếm đoạt tài sản, hành vi hướng tới việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ người bị hại sang đối tượng phạm tội một cách bất hợp pháp, thiếu sự tự do ý chí của người bị hại.

Hành vi chiếm đoạt tài sản thể hiện mục đích chiếm đoạt đã được điều luật này quy định “nhằm chiếm đoạt tài sản”. Mục đích nhằm chiếm đoạt thể hiện ở hành vi thứ hai là yếu tố bắt buộc về mặt chủ quan của tội danh này. Nếu người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần của người khác nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, mà hành vi nhằm một đích khác thì sẽ không bị xử lý hình sự tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Hành vi khách quan của tội danh quy định tại Điều 135 Bộ Luật Hình sự rất đa dạng như: “đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác…”. Hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực” là dọa sẽ sử dụng vũ lực trong tương lai (sẽ gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, uy tín… của nạn nhân) khác với hành vi “dùng vũ lực ngay tức khắc” trong tội cướp tài sản. Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực (sẽ đánh, sẽ gây thiệt hại tính mạng, sức khỏe…) là tương đối dễ hiểu.

Còn đối với thủ đoạn khác để “uy hiếp tinh thần” của người bị hại là tình tiết không dễ chứng minh. Hành vi phải tinh vi, nham hiểm tới mức thể hiện là “thủ đoạn” để tác động vào tinh thần của người bị hại, khống chế ý chí của người bị hại để người bị hại lo sợ, có cảm giác “bất an”. Hành vi này phải dẫn đến suy nghĩ của người bị hại là sẽ giao tài sản của mình cho đối tượng phạm tội để đổi lấy sự bình an.

Còn nếu hành vi (“thủ đoạn”) có tính chất uy hiếp tinh thần của người khác khiến người khác (nạn nhân) không sợ, không tác động được tới sự tự do ý chí của nạn nhân thì cũng không thể gọi là “thủ đoạn” theo quy định của điều luật nêu trên.

Thực tế, có nhiều vụ việc, chính người được cho là “nạn nhân” lại là người chủ động gợi ý về việc “đổi tài sản lấy sự im lặng”, mua chuộc người có thẩm quyền, có chức vụ… sau đó lu loa là mình bị “cưỡng đoạt”, những trường hợp thế này thì không đủ căn cứ để khởi tố hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản với người nhận tài sản của kẻ “gợi ý mua chuộc”.

Vì vậy, trong vụ việc trên, để buộc tội hai nghi phạm trên thì cơ quan cần làm rõ nhiều tình tiết, chứng cứ của vụ án, đặc biệt là hành vi khách quan thể hiện rõ “thủ đoạn khác” và yếu tố chủ quan là “mục đích chiếm đoạt tài sản”. Nếu việc giao nhận tài sản mà người “bị hại” không lo sợ, ngược lại họ lại là người chủ động gợi ý cho hai nghi phạm trên nhận tiền rồi báo công an (gài bẫy) thì không đủ căn cứ để xử lý hính sự với hai nghi phạm này.

Ngoài ra, cũng cần làm rõ số tiền 24 triệu đồng mà cơ quan công an thu giữ trong xe ô tô của 2 nghi phạm có phải là tiền do doanh nghiệp kia đưa cho hay không ? Vì sao lại đưa tiền ? Bên nào đề xuất đến việc “đổi tiền lấy thông tin sai phạm của doanh nghiệp”… thì mới có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai nghi phạm này.

Còn hành vi “giả danh” cũng cần được làm rõ qua các thông tin phản hồi từ phía báo Bảo vệ Pháp luật và lời khai của các nghi phạm nêu trên. Nếu hai nghi phạm là cộng tác viên, nhân viên của báo Bảo vệ Pháp Luật, họ nhân danh báo này đi làm việc thì sẽ không gọi là “giả danh”, hiện nay không có tội giả danh, chỉ có tội “giả mạo trong công tác”, nhưng những vụ việc như thế này khó mà xử lý về tội danh này được.

Theo nguyên tắc suy đoán vô tội đã được Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì một người chỉ có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án; Việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng; Người bị nghi phạm tội có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa và không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội… Vì vậy, vụ việc trên cần được tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để tránh oan sai, bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của các nghi phạm.

– Luật sư có quan điểm thế nào về ứng xử của doanh nghiệp trong sự việc này?

Có thể nói rằng trong bối cảnh kinh tế, xã hội nước ta hiện nay thì nhiều doanh nghiệp có những hành vi sai phạm trong kinh doanh, gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân, ảnh hưởng tới an toàn xã hội…

Nhiều sai phạm của doanh nghiệp đã bị báo chí phát hiện, phanh phui để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý theo pháp luật. Vì vậy, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp làm ăn không chân chính, có nhiều sai phạm với phía các cơ quan báo chí là quan hệ không mấy tốt đẹp, thậm chí đã có nhiều trường hợp các đối tượng bị báo chí phản ánh, phanh phui đã trả thù, hành hung lại nhà báo, phóng viên gây bức xúc trong dư luận.

Ngoài ra, cũng có thể trong một số trường hợp doanh nghiệp đã “gài bẫy” các phóng viên, nhà báo để trả thù, nhằm che dấu những sai phạm của mình.

Nếu là một doanh nghiệp đàng hoàng, làm ăn chân chính, không có sai phạm thì họ không có gì phải sợ nhà báo, phóng viên. Nếu bị phóng viên đe dọa thì doanh nghiệp có thể có liên hệ với tổng biên tập của báo đó để phản ánh, làm rõ, cũng có thể báo cho cơ quan công an để xem xét xử lý theo pháp luật.

Nếu doanh nghiệp cố ý “gài bẫy”, đẩy phóng viên vào vòng lao lý thì đó là một sai lầm, một cách xử lý sự cố truyền thông thiếu khôn ngoan. Đồng thời, hành vi “gài bẫy”, gợi ý mua chuộc để phóng viên nhận tiền nhằm đổi lấy sự im lặng (không phanh phui những sai phạm của doanh nghiệp) sẽ không thỏa mãn các dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản, không đủ căn cứ để xử lý hính sự đối với người nhận tài sản của doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu nói hai nghi phạm trên có tội cưỡng đoạt tài sản thì còn quá vội vàng. Vụ việc cần tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để đảm bảo công bằng, tránh oan sai, thiệt hại cho những người đấu tranh với cái xấu, những người tích cực phản ánh những bất cập, sai phạm của tổ chức, cá nhân.

– Trân trọng cảm ơn Luật sư.

Tác giả bài viết: Trúc Linh (DNSG)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP