Giáo dục

Lớp học gắn camera, giáo viên... tâm tư

TP HCM sẽ thí điểm lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non ở quận 1, 12 và huyện Hóc Môn trong năm học tới trước khi phủ sóng các quận, huyện còn lại

Việc thí điểm này nằm trong kế hoạch lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non (MN) trên địa bàn TP của UBND TP HCM từ năm 2018-2020, mục đích là nâng cao hiệu quả quản lý, quan sát việc giáo dục và chăm sóc trẻ, bảo vệ trẻ em và giáo viên tại các cơ sở MN… Tuy nhiên, qua khảo sát ban đầu, trong khi phần lớn phụ huynh đồng tình với việc lắp đặt thì nhiều giáo viên (GV) còn tâm tư.

52% giáo viên không đồng ý

Qua kết quả khảo sát về nhu cầu GV và phụ huynh trong việc lắp đặt camera ở 3 quận, huyện: Hóc Môn, quận 1 và quận 12 ở 3 nội dung: lắp đặt camera tại lớp để quan sát hoạt động của cô và trẻ, hình ảnh hoạt động của trẻ tại lớp được công khai rộng rãi (phụ huynh được truy cập), chỉ để ban giám hiệu nhà trường quan sát và kiểm tra hoạt động của cô và trẻ tại lớp đã cho ra kết quả tỉ lệ nghịch.

Có tới 88% phụ huynh đồng ý ở hạng mục 1, trong khi 52% GV không đồng ý gắn camera bên trong lớp học với lý do sẽ vi phạm sự riêng tư của học sinh và GV.

Trong khi đó, ở nội dung chỉ để ban giám hiệu nhà trường kiểm tra và giám sát hoạt động của cô và trẻ thì có tới 72,2% GV không đồng ý vì cho rằng việc lắp đặt camera sẽ khiến họ mất tự nhiên, cảm thấy cấp trên thiếu tin tưởng và luôn lo mắc lỗi.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho rằng ngành GD-ĐT rất hiểu GV sẽ tâm tư nên phải thực hiện khảo sát lấy ý kiến phụ huynh và GVMN về việc lắp đặt camera trên địa bàn 3 quận, huyện.

Chính vì thế, sở cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện và hiệu trưởng các trường động viên tinh thần và tâm lý GV cho việc lắp camera tại lớp học.

Ông Hoàng cũng cho rằng theo dự kiến lắp camera không phải để cho tất cả phụ huynh theo dõi GV. Mục đích chính của hoạt động này là để cho hiệu trưởng (đối với các trường công lập) và địa phương (đối với các cơ sở MN ngoài công lập) giám sát các hoạt động giáo dục, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những sai lầm; truy xuất khi có sự cố xảy ra.

"Nhưng quan trọng nhất vẫn là tin tưởng các cô giáo MN, tạo cho các cô môi trường làm việc tốt, có bản lĩnh và nghiệp vụ sư phạm đúng mực. Chỉ như vậy, vấn đề bạo hành trẻ mới được giải quyết tận gốc" - ông Hoàng nói.

Với nhiều giáo viên mầm non, việc lắp đặt camera sẽ khiến họ mất tự nhiên trong hoạt động lớp học. Ảnh: BẢO LÂM

Camera không phải mắt thần khi bạo hành tinh vi

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng khi nạn bạo hành trẻ diễn ra trong thời gian qua với mức độ tinh vi và dã man. Nhất là vụ việc ở cơ sở MN Mầm Xanh (quận 12) thì việc lắp camera là giải pháp ổn nhất để bảo vệ trẻ khi mà hệ thống kiểm tra, giám sát hiện nay còn lơ là, chồng chéo, thậm chí có sự bao che của hiệu trưởng hay chủ trường MN.

Thực tế, tại TP HCM, trong khi hầu hết trường MN tư thục đã làm quen với việc gắn camera trong lớp học thì các trường công lập mới chỉ dừng lại ở việc gắn tại cổng trường nhằm theo dõi công tác an ninh trước cổng trường. GV một trường MN tại quận 1 chia sẻ cứ nghĩ mọi hoạt động của mình đang bị camera quan sát, ghi lại thì thật sự không còn tâm trí để dạy nữa. Lúc đó chỉ lo tạo hình ảnh thật đẹp, thật vừa mắt người quan sát.

"Thật ra, nếu đã không yêu trẻ, GV có rất nhiều chiêu bạo hành trẻ tinh vi mà cho dù có camera cũng không thể quan sát được. Không thể phủ nhận, những cô giáo bạo hành trẻ bị phát hiện vừa qua khiến niềm tin đối với các cô MN giảm sút. Nhưng nếu đánh đồng tất cả thì chúng tôi cảm thấy bị tổn thương rất nhiều" - GV này tâm tư. Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng camera không phải "mắt thần" nếu không giải quyết tận gốc vấn đề là nghiệp vụ sư phạm của GV và cải thiện môi trường làm việc vốn quá nhiều áp lực của GVMN.

Bà Chung Bích Phượng - nguyên Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, phụ trách bậc học MN - nhìn nhận rằng nếu chọn nghề không xuất phát từ tình yêu, đến khi va chạm thực tế như trẻ bệnh, trẻ khóc cùng các sinh hoạt hằng ngày thì các GV cảm thấy rất vất vả. Họ không vượt qua được khó khăn, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các hành động gây nguy hiểm cho trẻ. Thế nên, cái gốc của vấn đề vẫn là chọn lựa và đào tạo GVMN của các trường sư phạm.

Mệt mỏi nếu công khai camera

Nhiều ý kiến của GV đồng tình với việc gắn camera trong lớp học nhưng chỉ để hiệu trưởng quan sát và xử lý, can thiệp kịp thời những tình huống xảy đến. "Nếu công khai cho tất cả phụ huynh, cảm giác không khác gì toàn bộ cuộc sống của chúng tôi bị phơi bày, ai cũng thấy, ai cũng có quyền phán xét. Như vậy chúng tôi rất mệt mỏi" - GV một trường MN tại quận 3 cho biết.

Tác giả: Đặng Trinh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP