Nhiều nông dân vẫn mong muốn tái đàn mặc dù giá lợn xuống thấp
Giá thấp là vậy, lỗ là vậy nhưng ông Tùng vẫn đang nuôi hơn 20 con lợn con. Là người nuôi lợn lâu năm, ông vẫn hy vọng giá lợn hơi sẽ tăng: Trước cũng có khi giảm rồi lại tăng, chúng tôi sống bằng trồng trọt và chăn nuôi, giờ không nuôi lợn thì biết nuôi con gì khi mà đầu ra mình không chủ động được. Tôi vẫn quyết tái đàn nhưng số lượng ít hơn, thay vào đó sẽ nhân lợn mạ để đỡ phải mất tiền mua giống và bán lợn giống cho bà con. Hy vọng giá lợn sẽ cao hơn để bà con nông dân chúng tôi bớt khổ.
Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức cho biết: Cuối năm 2016, nghành chăn nuôi Nghĩa Đức gặp không ít khó khăn đặc biệt là chăn nuôi lợn, do giá cả xuống thấp. Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi ở Nghĩa Đức vẫn tái đàn để chờ cơ hội giá lợn tăng lên. Hiện nay, nhiều gia đình xuất lợn đã mua lợn giống mới để tiếp tục nuôi.
Từ nuôi lợn mà nhiều hộ gia đình ở xóm Hoa Vinh Sơn, xã Nghĩa Hội đã thoát nghèo
Không chỉ ở Nghĩa Đức mà trước tình hình giá lợn hơi xuống thấp, nhiều hộ nông dân Nghĩa Đàn lao đao vì thua lỗ. Ông Cao Thanh Hương - nhóm trưởng tổ hợp tác chăn nuôi Lợn xóm Hoa Vinh Sơn - xã Nghĩa Hội chua chát: Hiện nay, xóm tôi mỗi lứa xuất khoảng 500 con lợn thịt, trong đó, riêng trong tổ hợp tác của chúng tôi gần 20 hộ có khoảng hơn 300 con. Gia đình tôi vừa xuất 80 con Lợn thịt vào dịp trước Tết với giá 30 nghìn đồng/kg. Chúng tôi mua giống tận trong Đồng Nai một con giống hơn 1 triệu, tiền cám, thức ăn thì không giảm, trong khi giá Lợn thì giảm thảm hại, đến lúc xuất chuồng không bán lại càng lỗ hơn. Có một lứa vừa rồi, mà gia đình tôi đã lỗ gần 100 triệu. Nhiều hộ gia đình khóc dở cười dở “giam” lợn không bán do giá vẫn ở mức từ dưới 35.000 đồng/kg. Nhưng để lại một ngày là tiền thức ăn cũng tốn, nhiều gia đình chọn cách bán đổ bán tháo, và nông dân mong muốn ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để tiếp tục tái đàn.
Ông Hoàng văn Mơ, xóm 18, xã Nghĩa Trung chọn cách nuôi lợn Mạ để tự nhân con giống, hạn chế thiệt hại khi giá lợn xuống thấp
Còn anh Hoàng Văn Mơ, xóm 18 xã Nghĩa Trung - một trong những người nuôi lợn nhiều nhất ở Nghĩa Đàn, mỗi lứa từ 300 đến 500 con. Anh Mơ chia sẻ: Trong chăn nuôi lợn, việc mua giống đã tốn khá nhiều tiền, trước đây, gia đình thường mua con giống ở miền Nam nhưng thời gian gần đây gia đình đã nuôi lợn mạ để nhân giống. Tuy nhiên, để cho con giống tốt, đảm bảo thì không phải là việc đơn giản. Đây cũng là cách giảm bớt thiệt hại khi giá lợn xuống thấp và cũng là cách để người nuôi lợn ở Nghĩa Đàn nói riêng cũng như nước ta có có thể cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập TPP.
Trước giá thức ăn không giảm, nhiều hộ chăn nuôi chọn cách tự sản xuất thêm ngô, khoai, sắn để giảm bớt chi phí
Trong thời gian qua, bằng nhiều hình thức thông qua các tổ liên kết, các tổ chức hội, người chăn nuôi nói riêng và nông dân Nghĩa Đàn nói chung đã được tiếp cận nhiều nguồn vốn từ các ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, thiệt hại do giá lợn xuống thấp trong cuối năm 2016 đầu năm 2017 đã làm không ít gia đình rơi vào cảnh “cụt vốn” và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người chăn nuôi lợn ở Nghĩa Đàn. Vì vậy, người chăn nuôi ngoài hỗ trợ tìm đầu ra ổn định còn mong muốn được vay vốn để tiếp tục tái đàn.
Tác giả bài viết: Đinh Thùy
Nguồn tin: