Cuộc sống

Lời nói dối của mẹ

Nhà có khách, làm thịt con gà, mẹ chỉ xin chiếc phao câu. Sau này khấm khá hơn một chút, mẹ cũng chỉ ăn nhẹ vài miếng cổ, cánh, chân. Tất cả những thứ ngon nhất đều dành cho chồng, cho con, đều nhịn miệng đãi khách.

Ảnh minh họa

- Mẹ ăn no lắm rồi! Các con ăn đi!

Đến bây giờ câu nói mấy chục năm trước của mẹ vẫn khiến tôi day dứt mãi. Là bởi mỗi dịp bà đi liên hoan (quê tôi thường gọi là đánh đụng) về cũng xách theo xâu thịt lợn chừng vài ba lạng. Luộc xong, thái cho các con ăn, bao giờ bà cũng nhắc đi nhắc lại câu: “Mẹ no lắm rồi!” Lúc ấy còn nhỏ, lại thiếu đói, anh em chúng tôi nào biết đó chỉ là lời nói dối của mẹ.

Mà đâu chỉ có mẹ tôi nói dối, các dì, các o, các thím của tôi đều thế cả! Một thế hệ đã nói dối chỉ để nhường miếng ngon cho con.

Đi đánh đụng, làm một con lợn, các bà, các mẹ, các chị chỉ ăn rón rén chừng mực còn dành chia phần mang về cho chồng, cho con.

Nhà có khách, làm thịt con gà, mẹ chỉ xin chiếc phao câu. Sau này khấm khá hơn một chút, mẹ cũng chỉ ăn nhẹ vài miếng cổ, cánh, chân. Tất cả những thứ ngon nhất đều dành cho chồng, cho con, đều nhịn miệng đãi khách. Những lúc như thế bà đều tìm lý do để nói dối: “Mẹ ăn chân, ăn cánh cho chân tay dẻo dai, mạnh khỏe để còn nuôi chúng mày”. Sau này khi đã cao tuổi, cuộc sống không còn thiếu thốn như xưa nhưng mẹ vẫn giữ thói quen… nói dối khi từ chối một món quà, món ngon gì đó từ con cháu.

Có hôm đi làm về nghe mẹ lên chơi đang giỗ dành thằng cháu đích tôn 7 tuổi ăn đùi gà: “Cháu ăn đi! Bà ăn no rồi! Mà bà không ăn đùi gà đâu, ăn vào bị ngứa!”. Mẹ, bao năm vẫn thế, dối từ con đến cháu. Sao lúc nào cũng… ăn no rồi nhỉ?

Còn nhớ những năm đầu thời kỳ đổi mới, làng biển quê tôi đói quắt đói quay. Điệp khúc sáng canh rau khoai lang, chiều cháo vim vỉm (một loại nhuyễn thể họ nhà giắt) lặp đi lặp lại hàng tuần. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, phải ăn những thứ ấy liên tục, anh em chúng tôi cồn cào ruột gan. Những lúc như thế mẹ lại nói dối: “Này các con! Trong rau khoai lang rất nhiều Vitamin, còn con vim vỉm rất nhiều đạm. Nhìn thế thôi nhưng ăn vào rất tốt cho sức khỏe, lại thông minh nữa”. Nghe mẹ nói, chúng tôi cứ nghĩ đến Vitamin như trên lớp thầy giáo dạy để tiếp tục ăn và lớn lên từ những bữa đói bữa no lay lắt như thế.

Mẹ ốm, tôi gọi điện về đòi đưa đi viện khám. Chưa nói dứt câu thì ở đầu dây bên kia một giọng nói yếu ớt nhưng đang cố gắng thể hiện như không có chuyện gì. “Ai nói với con là mẹ ốm! Mẹ vẫn khỏe! Các con cứ công tác tốt là mẹ khỏe rồi!”. Lần này thì tôi biết chắc chắn mẹ nói dối nên lập tức phi xe về quê “cưỡng chế” bà đi viện. Ở viện được 2 hôm, bà lại giở “bổn cũ”: “Mẹ khỏe rồi! Cho mẹ về! Ở đây tốn kém lắm! Chúng mày lương ba cọc ba đồng, còn lo cho con cái, còn nợ ngân hàng tiền mua nhà. Về thôi con!”

Năm tôi mua nhà, biết tin qua đứa em gái, bà buộc trong tay nải một gói tiền, trong đó có cả những đồng tiền lẻ mang cho con kèm theo lời nói dối: “Tiền tiết kiệm của mẹ không dùng đến, mẹ cho vợ chồng chúng mày vay, khi nào có thì trả”. Sau này tôi mới biết, số tiền ấy mẹ đi vay. Mà nợ mẹ, đến bao giờ chúng tôi mới trả đủ. Mẹ có đòi hỏi đâu bao giờ!

Những năm sau chiến tranh, cha đi biền biệt, mẹ vừa dạy học trường làng vừa gánh phân, thồ lúa, nấu rượu, nuôi lợn. Mỗi lần bão đến, mẹ trèo lên mái nhà chằng buộc, che chắn như đàn ông. Hỏi mẹ có buồn, có mệt không mẹ lại nói dối: “Làm việc cũng như tập thể dục. Ngồi một chỗ sinh bệnh lúc nào không hay”.

Ba mươi Tết, ngóng mãi chỉ có lá thư của chồng. Quệt nước mắt, bà tìm cách “bịa” ra một niềm vui cho con: “Sau tết bố sẽ về! Trong thư bố nói, lần này nhiều quà lắm”. Nhưng sau tết và sau nhiều cái tết nữa, bố cứ đi biền biệt, bỏ mẹ ở lại cùng niềm vui không có thật.

Trời rét căm căm, mẹ đi gánh rạ, tôi ghé vai gánh đỡ, mẹ gạt ra: “Chúng mày đang tuổi ăn, tuổi lớn, gánh nó lùn người xuống, vai bên thấp bên cao, sau này không lấy được vợ đâu!”.

Sinh nhật mẹ, con cái chẳng đứa nào nhớ. Hỏi mẹ có buồn không? Mẹ bảo, thời của mẹ làm gì biết đến sinh nhật mà buồn. Bà ngoại chỉ nhớ, mẹ đẻ vào tháng 9, năm ấy lụt ngập cả làng. Mẹ nói ngày mẹ sinh các con cũng chính là những ngày sinh nhật mẹ.

20/10, mải mê liên hoan cơ quan, bạn bè rồi khu phố, có khi một cuộc điện thoại chúc mừng mẹ cũng quên. Hôm sau chợt nhớ gọi điện về chưa kịp xin lỗi bà đã hỏi: "Thế hôm qua đã chúc mừng vợ và con gái chưa? Ở quê liên hoan, đánh đụng, ca hát vui lắm. Bố mày còn tặng mẹ một bài thơ".

Mẹ tôi, mà không chỉ có mẹ tôi, những người mẹ ở đất nước này đã yêu thương và hy sinh như thế. Họ biết… nói dối để yêu thương, để cho con cái lớn khôn từ những lời nói dối ngọt ngào như thế!

Tác giả: Quang Duy

Nguồn tin: giadinhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP