Hệ thống trao đổi nhiệt khói nóng không tuần hoàn được thay bằng hệ thống trao đổi nhiệt hơi tuần hoàn, giúp tiết kiệm nhiên liệu đốt và giảm phát thải CO2. (Ảnh chụp tại Công ty CP Tân Tiến) |
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thành phố, nhiều năm qua, Đà Nẵng không nằm trong diện các địa phương thực hiện mục tiêu về sản xuất sạch hơn, nhưng trung tâm cũng tranh thủ nguồn hỗ trợ từ hợp phần sản xuất sạch hơn để triển khai cho các DN trên địa bàn.
Năm 2017, ngoài việc tranh thủ từ nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ cho 1 DN, Bộ Công thương còn hỗ trợ thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn tại 5 DN gồm: Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn, Công ty CP Giấy Sức Trẻ, Công ty CP Lâm sản xuất nhập khẩu Đà Nẵng, Công ty CP Xi-măng Ngũ Hành Sơn, Nhà máy Giấy bao bì Tân Long (Công ty TNHH Kiến trúc và thương mại Á Châu) với tổng kinh phí 250 triệu đồng.
Đến nay, đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia chương trình đã khảo sát, đo đạc, tổng hợp số liệu và phân tích nhằm đề ra các giải pháp giúp DN áp dụng hiệu quả trong thời gian đến. Trước đó, 3 DN triển khai trong năm 2016 được Hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt và các giải pháp được DN ghi nhận, triển khai áp dụng không tốn chi phí hoặc chi phí đầu tư thấp.
Ông Phạm Phú Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất giấy Thanh Hùng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) cho biết: “Tiền thân của chúng tôi là cơ sở nhỏ hoạt động theo hình thức hợp tác xã với ngành nghề sản xuất giấy Kraft.
Trong giai đoạn sản xuất gặp nhiều khó khăn như giá nguyên nhiên liệu có nhiều biến động, dự báo tình hình tiêu thụ điện năng ngày càng tăng nguy cơ thiếu điện lớn... Xí nghiệp đã nhận thức được hạn chế và có những biện pháp tốt nhằm giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Hiện chúng tôi đã đầu tư cơ bản về nhà xưởng và các trang thiết bị sản xuất cùng các hệ thống thu hồi tận dụng tối đa các dòng chất thải, hệ thống xử lý môi trường…”.
Bước đầu áp dụng sản xuất sạch hơn, Công ty CP Tân Tiến Đà Nẵng (chuyên sản xuất chế biến gỗ, các sản phẩm từ gỗ) đã ưu tiên các giải pháp cải tạo ánh sáng, lắp đặt hệ thống biến tần cho máy hút bụi và thay lò hơi sử dụng nhiên liệu than đá sang lò hơi sử dụng nhiên liệu Biomas.
Năng lực sấy gỗ hiện tại của công ty là 1.755m3/năm, chỉ đạt khoảng 72% nhu cầu, Ban lãnh đạo DN đã chú trọng nâng cao sản lượng bằng cách đầu tư mới lò hơi, hệ thống đầu tư mới lò hơi, hệ thống mạng nhiệt, cải tạo 9 hầm sấy từ 15m3/hầm lên 25m3/hầm. Giai đoạn 2, công ty tiếp tục mở rộng thêm 5 hầm sấy 25m3/hầm thay thế hoàn toàn sấy bằng phương pháp sử dụng khói lò đốt dẫn nhiệt bằng hệ thống sấy hơi nước.
“Công ty chúng tôi đã tháo dỡ các lò đốt cũ, để chuẩn bị mặt bằng đầu tư hệ thống sấy hơi nước nên dự án có thể xét theo hướng xin hỗ trợ đầu tư lò hơi mới. Đầu tư lò mới dự kiến sẽ tiết kiệm gần 41,84% năng lượng và mức độ phát thải khí nhà kính”, đại diện Công ty CP Tân Tiến cho biết.
Tiến hành đo đạc, phân tích hiệu suất lò hơi tại Xí nghiệp Chế biến lâm sản Hòa Nhơn trước khi triển khai các công đoạn áp dụng sản xuất sạch hơn. Ảnh: DUYÊN ANH |
Sản xuất sạch hơn được đánh giá là điểm sáng của khuyến công Đà Nẵng được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) cho phép Đà Nẵng thí điểm triển khai theo Nghị định số 45/NĐ-CP về khuyến công. Trước đó, 2 tỉnh Phú Thọ và Bạc Liêu được chọn nhưng không thể triển khai vì không đạt các điều kiện. Riêng Đà Nẵng trong quá trình triển khai cũng gặp nhiều vướng mắc, cần tháo gỡ.
Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đà Nẵng khẳng định: “Lợi ích của sản xuất sạch hơn rất lớn, nhưng nhiều DN cho rằng sản xuất sạch hơn chỉ đơn thuần liên quan đến vệ sinh môi trường của DN. Vì vậy, lãnh đạo DN chưa quan tâm hoạt động này và chưa sẵn sàng bố trí nguồn tài chính đầu tư thích hợp.
Có những DN chỉ tập trung công đoạn bán hàng hơn đầu tư công nghệ, thiết bị mới để giảm chi phí trong sản xuất. Hơn nữa, đối với DN vừa và nhỏ, chi phí đầu tư cho công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu thường lớn so với khả năng của DN và thời gian hoàn vốn dài nên các DN khó có thể áp dụng giải pháp đầu tư công nghệ mới.
Tuy nhiên, kết quả ban đầu cho thấy, mặc dù nội dung hỗ trợ sản xuất sạch hơn mới chỉ dừng lại ở hoạt động tư vấn nhưng đã được các DN hưởng ứng. Đáng lưu ý, một số giải pháp không tốn chi phí hoặc mức chi phí thấp đã cho kết quả tốt”.
Ông Hạ cho rằng, để tiếp tục hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong thời gian tới, cần có định hướng xuyên suốt từ Bộ Công thương đến các địa phương trong việc tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp như nâng cao nhận thức cho DN về sản xuất sạch hơn, nhân rộng các mô hình thành công, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho từng ngành… Đặc biệt, các địa phương phân bổ kinh phí cho phù hợp và có cơ chế hỗ trợ DN triển khai ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn.
Tác giả: DUYÊN ANH
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng