Xã hội

“Lời giải” nào cho “bài toán” tai nạn đường sắt?

“Cơn bão BOT”, tiền lẻ, tiền chẵn, “thu giá, thu phí” chưa lắng dịu thì một “trận cuồng phong” mới lại nổi lên trong ngành giao thông.

Hiện trường vụ tai nạn ngày 24/5 tàu SE19 khi đến ga Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đâm vào xe tải.

Chỉ mấy ngày cuối tháng 5/2018, một loạt vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra làm hàng chục người thương vong; hàng hóa, tài sản hư hỏng; giao thông đình trệ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lên tiếng nhận trách nhiệm, Cục trưởng Cục Đường sắt Vũ Quang Khôi “lấy làm tiếc nhưng khẳng định không có lỗi”. Cả hai cùng hứa hẹn “xử lý, chấn chỉnh”, thế nhưng tiếp ngay sau đó, ngay trong đầu tháng 6/2018, tai nạn đường sắt không dừng lại mà tiếp tục xảy ra thêm nhiều vụ nữa.

Kỷ luật, kỷ cương đường sắt đang không được tuân thủ

Một hiện tượng đau xót hy hữu đã xảy ra trong ngành đường sắt. Chỉ trong bốn ngày cuối tháng 5/2018, bốn tai nạn đã liên tiếp xảy ra:

Ngày 24/5, tàu SE19 từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến ga Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã đâm vào xe tải. Hai người chết, 10 người bị thương, đầu máy và sáu toa xe bị lật. Công an đã bắt hai nhân viên gác chắn do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 26/5, tại ga Núi Thành (Quảng Nam), tàu hàng ASY2 đi vào ga theo hướng Nam - Bắc. Cùng thời điểm lái tàu hàng 2469 đang dồn toa hướng ngược lại khiến hai đoàn tàu đã tông nhau trực diện. Bốn toa xe hàng trật khỏi đường ray, hai đầu máy hư hỏng nặng.

Chỉ 20 phút sau, tàu hàng chạy hướng Nam - Bắc kéo theo 27 toa xe trong lúc vào đường ray số 3 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) để tránh tàu ngược chiều thì bất ngờ bị trật bánh tại hai toa 3 và 4. Ba mươi mét đường ray, hàng trăm tà vẹt bị hư hỏng, đường sắt qua khu vực này tắc ba tiếng đồng hồ.

Ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy Bắc - Nam, khi tới xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An) đâm trúng xe bồn trộn bê tông đang vượt qua đường sắt. Đầu máy tàu bị hư nhẹ, đầu xe bồn hỏng nặng. May mắn tài xế xe bồn chỉ bị thương nhẹ.

Chiều 28/5, Bộ GTVT đã họp mổ xẻ nguyên nhân các vụ tai nạn và bàn giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận hạ tầng giao thông đường sắt yếu kém, công tác điều hành vận tải thời gian qua chưa hiệu quả nên đã xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với ngành. Lời lẽ chỉ đạo và giải pháp của Bộ trưởng Thể khá rõ ràng. Về trách nhiệm cá nhân, Bộ trưởng Thể nói: “Tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân khi để ngành đường sắt xảy ra nhiều yếu kém thời gian qua. Tôi xin lỗi các gia đình có người thiệt mạng trong vụ tai nạn”.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường sắt, TCty Đường sắt nghiêm túc kiểm điểm từ Chủ tịch Hội đồng Thành viên đến cán bộ liên quan, phải làm rõ nguyên nhân tai nạn.

Cục trưởng Đường sắt Vũ Quang Khôi cho biết, trung bình mỗi năm thanh tra 45 cuộc, tập trung về an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng tàu. Năm 2017, Thanh tra Cục đã xử phạt 1.040 hành vi, năm tháng đầu năm nay xử phạt hơn 250 hành vi của các cá nhân.

Bộ trưởng Thể chất vấn lãnh đạo Cục Đường sắt tại sao xử phạt nhiều vẫn xảy ra tai nạn? Không trả lời, ông Khôi cho rằng ngành đường sắt cần tăng cường kiểm tra kiến thức lái tàu, gác chắn đường ngang. Đặc biệt, TCty phải kiện toàn bộ máy cứu hộ, cứu nạn. Hiện các doanh nghiệp vận tải tự tổ chức cứu nạn nên thiếu chuyên môn.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng kỷ luật, kỷ cương đường sắt đang không được tuân thủ. Đây là nguyên nhân xảy ra tai nạn, nếu không xử lý thì mấy ngày nữa lại xảy ra. Cùng với đó, việc xử lý trách nhiệm cá nhân sau các vụ việc vi phạm của TCty Đường sắt còn né tránh, kéo dài. “Tôi hỏi lãnh đạo TCty xử lý cá nhân sau các vụ tai nạn đến đâu, các anh bảo phải mất một tuần”, ông Đông nói và cho rằng Thanh tra Cục Đường sắt chưa hoạt động hiệu quả.

Bộ trưởng Thể yêu cầu lập tổ công tác kiểm tra trách nhiệm các cơ quan liên quan, do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đứng đầu để đánh giá, nghiên cứu đề xuất của TCty có hợp lý hay không.

Sau lời hứa, tai nạn tiếp tục diễn ra dồn dập

Chỉ vài ngày sau đó, Cục trưởng Vũ Quang Khôi khi trả lời báo chí, đã cho rằng: “Chúng tôi rất lấy làm đáng tiếc vì mấy ngày cuối tháng 5/2018 mà liên tiếp có bốn vụ tai nạn của ngành đường sắt... Chúng tôi khẳng định là chúng tôi không có lỗi gì. Chúng tôi đã làm rất trách nhiệm sau khi xảy ra các sự cố”.

Vẫn lời ông Khôi: “... Đúng là mục tiêu hàng đầu là ưu tiên cứu chữa, cứu hộ người và phương tiện nhưng đúng là xử lý hơi chậm. Đáng lẽ khi xảy ra sự cố, êkip nào liên quan phải tạm đình chỉ ngay vì ảnh hưởng tâm lý không tốt mà vẫn tiếp tục nhiệm vụ sẽ gây nguy cơ mất tập trung, đe dọa an toàn vận hành.

Bộ GTVT đã giao Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông xem xét hình thức kỷ luật đối với TCty Đường sắt Việt Nam. Tôi sẽ tham gia vào hội đồng xem xét kỷ luật TCty Đường sắt Việt Nam và quan điểm là sẽ cứng rắn xử lý nghiêm để răn đe cao nhất.

Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra hiệu quả và sắc nét hơn nữa. Tới đây sẽ có những đề xuất với các doanh nghiệp và chính quyền địa phương xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Trong trường hợp lỗi của Cục tôi luôn xin nhận các hình thức kỷ luật theo đúng quy trình, quy định. Như hôm qua họp cùng Bộ trưởng, tôi thấy rất chạnh lòng, rất xấu hổ vì để xảy ra như vậy, xin rút kinh nghiệm trong công tác”.

Đáp lại các lời hứa hẹn của quan chức, ngay sau đó, tai nạn đường sắt vẫn tiếp tục diễn ra liên tục. Vào khoảng 12h ngày 2/6, một vụ tai nạn đường sắt lại xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tại xóm 7 xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu. Tàu hàng số hiệu 9320 lưu thông theo hướng Nam - Bắc, khi đến đường ngang dân sinh qua xã Quỳnh Tân đã tông vào xe ben chở đá. Cú va chạm mạnh khiến xe ben chở đá bị hất văng xa hàng chục mét, đầu xe dập nát, tài xế Phạm Văn Tài bị thương. Vụ tai nạn khiến đầu máy đoàn tàu trật bánh khỏi đường ray, đường sắt Bắc - Nam bị ùn tắc.Ngành đường sắt đã huy động cần cẩu loại lớn để “giải cứu” đoàn tàu bị tai nạn.

Đây là vụ tai nạn đường sắt thứ năm liên tiếp trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và vụ tai nạn đường sắt thứ ba liên tiếp trong thời gian chỉ vài ngày tại riêng tỉnh Nghệ An.

Sáng 6/6, thêm sự cố chập điện gây cháy đã xảy ra trên đoàn tàu NH1 chở khách từ Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi Nha Trang (Khánh Hòa). Sự cố xảy ra khi đoàn tàu đang lưu thông qua khu vực đèo Cả (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Rất may ngọn lửa đã được dập tắt ngay sau đó nên không gây thiệt hại đến hành khách và hành lý trên tàu.

Danh sách tai nạn đường sắt thời gian này kéo dài thêm khi vào khoảng 9h40 sáng 14/6, tại xóm 3, xã Cù Vân (Đại Từ, Thái Nguyên) đã xảy ra vụ va chạm đường sắt khiến một người tử vong. Đại diện Công an xã Cù Vân cho biết, nạn nhân là một người đàn ông (trú ở thôn 3), khi đi bộ băng qua đường sắt đã không may va chạm với tàu hỏa khiến bị đứt lìa đầu và tử vong tại chỗ.

Sự thách thức dư luận về tinh thần trách nhiệm

Ngay từ ngày 27/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công điện gửi hai Bộ GTVT, Công an và các tỉnh, thành có đường sắt đi qua.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan chức năng và VNR phối hợp với địa phương khẩn trương điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bộ GTVT có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo đầy đủ các vụ tai nạn đường sắt từ đầu năm 2018 do nguyên nhân chủ quan gây ra; phân tích, đánh giá toàn diện vi phạm để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

“Cần rà soát quy định pháp luật, quy trình, quy phạm về công tác tổ chức chạy tàu hiện có để điều chỉnh chặt chẽ hơn, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tai nạn đường sắt do chủ quan”, công điện nêu rõ.

Vậy ngành đường sắt đã thực hiện chỉ đạo trên ra sao? Hội đồng kỷ luật TCty Đường sắt Việt Nam họp xem xét và sau bảy vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra chỉ tính từ ngày 24/5, Giám đốc và Phó Giám đốc tự nhận hình thức “khiển trách”. Và sau khi “căn cứ quy định pháp luật và bỏ phiếu của Hội đồng kỷ luật”, các lãnh đạo này được chuyển xuống hình thức “phê bình nghiêm khắc”. Không cá nhân nào trong trong Hội đồng thành viên VNR nhận hình thức kỷ luật. Kết luận cuộc họp này quả là sự thách thức dư luận về tinh thần trách nhiệm của VNR.

Thái độ chưa kiểm tra mà ông Cục trưởng đã cho rằng “không có lỗi” cho thấy lãnh đạo Cục Đường sắt chưa thật sự cầu thị, chưa quyết tâm “giải phẫu” chấn chỉnh những khiếm khuyết trong nội bộ ngành để tiết giảm những tổn hại tính mệnh, tài sản của người dân.

Ai cũng biết rằng tay trái thì không thể và không nên thanh tra tay phải, huống hồ chỉ là thanh tra chính mình, nên tuyên bố hùng hồn của ông Cục trưởng “sẽ tham gia vào đoàn kiểm tra” của Bộ, để thanh tra chính ngành của ông khiến người ta đặt câu hỏi phải chăng có sự bao che từ Cục với các đơn vị thuộc quyền? Và cơ chế quản lý của Bộ GTVT vẫn còn lỏng lẻo để cho những nhóm lợi ích, cá nhân quyền lực có nhiều khoảng trống hoạt động.

Với thực trạng này chuyện kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt có lẽ vẫn là mơ ước.

Tác giả: Anh Kiệt

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

  Từ khóa: đường sắt , tai nạn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP