Giáo dục

Logistics, Thương mại điện tử là ngành học “hót” trong tương lai

Đây là 2 ngành học được coi là “hót” trong tương lai đã được nhiều trường đại học mở ra trong mùa tuyển sinh 2018. Vậy, sinh viên theo học ngành này được đào tạo như thế nào? Ra trường làm việc ở đâu?

Kỹ sư Logistics và quản lý chuỗi cung ứng

Theo học ngành Kỹ sư Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về khoa học quản lý, kinh tế, kinh tế - kĩ thuật liên quan đến kinh doanh dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Có kiến thức chuyên sâu về xây dựng quy trình công nghệ, kế hoạch sản xuất kinh doanh dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng;

Kiến thức chuyên sâu về tổ chức và quản lý điều hành vận tải, quản lý kho và trung tâm phân phối, tổ chức giao dịch thương mại (trong nước và quốc tế) và tổ chức quá trình cung ứng;

Có phương pháp thống kê, tổng hợp, phân tích đánh giá và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động logistics và chuỗi cung ứng; Có hiểu biết thực tế về hoạt động tổ chức quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh dịch vụ logistics và tổ chức chuỗi cung ứng.

Kỹ năng nghề nghiệp: Nghiên cứu thị trường, phân tích xây dựng phương án kinh doanh dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng; Xây dựng quy trình công nghệ, quản lý nghiệp vụ và tổ chức điều hành quá trình dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng, gồm: tổ chức điều hành vận tải, quản lý nghiệp vụ kho hàng và trung tâm phân phối, tổ chức dịch vụ giao dịch thương mại và các dịch vụ hỗ trợ khách hàng trong chuỗi cung ứng;

Phân tích đánh giá, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hệ thống dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng;

Phát hiện, phân tích và phản biện những vấn đề về kinh tế- kỹ thuật liên quan đến quản lý và tổ chức điều hành hệ thống kinh doanh dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng; Có kỹ năng trình bày, giao tiếp nghề nghiệp, làm việc và lãnh đạo nhóm trong môi trường đa ngành, đa lĩnh vực.

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có thể làm việc tại các công ty vận tải và giao nhận, công ty dịch vụ logistics, kho hàng và trung tâm phân phối, trung tâm logistics, các phòng ban chuyên môn thuộc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải, dịch vụ logistics, giảng dạy và nghiên cứu chuyên môn tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu.

Thương mại điện tử

Sau khi hoàn thành khóa học theo chương trình đào tạo, người học có kiến thức chuyên môn toàn diện để giải quyết các vấn đề về thương mại điện tử, các phương pháp phân tích, thiết kế hệ thống kinh doanh trực tuyến, giao tiếp, đàm phán, tiếp thị, thanh toán điện tử, nền kinh tế điện tử, …

Có kiến thức để quản lý doanh nghiệp thương mại điện tử hoạt động trong môi trường kinh doanh thương mại quốc tế và nội địa; Kiến thức công nghệ thông tin, mạng máy tính, ngoại ngữ để khai thác, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử của doanh nghiệp.

Về kỹ năng nghề nghiệp: Biết phân tích, lựa chọn mô hình quản trị; thực hiện được các chức năng, lĩnh vực quản trị kinh doanh thương mại điện tử tại các doanh nghiệp;

Sử dụng và khai thác mạng máy tính, các phần mềm phổ biến để thực hiện các nghiệp vụ thương mại điện tử của một cơ quan, doanh nghiệp.

Khai thác, thu thập, phân tích và tổng hợp được các số liệu, dữ liệu để làm căn cứ ra quyết định kinh doanh trong doanh nghiệp;

Lập, tổ chức thực hiện và điều chỉnh được các kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử của doanh nghiệp như: Phân tích, đánh giá thị trường, xây dựng và thiết lập hệ thống thương mại, thương mại điện tử, mua hàng, tồn kho, bán hàng, ....

Tổ chức quản trị có hiệu quả hệ thống thương mại điện tử và phát triển website thương mại điện tử của một doanh nghiệp;

Thiết kế, xây dựng và triển khai hệ quản trị cơ sở dữ liệu. Sử dụng thành thạo các hệ thống cơ sở dữ liệu thông dụng, thiết kế website thương mại điện tử;

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đàm phán, lãnh đạo và làm việc theo nhóm; kỹ năng viết, trình bày và giải quyết vấn đề đặt ra;

Vận dụng kiến thức về công nghệ thông tin và một số phần mềm quản trị trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, cử nhân chuyên ngành Thương mại điện tử đảm nhiệm được các vị trí: Chuyên viên hoặc nhà quản lý tại các công ty cung cấp giải pháp về thương mại điện tử; Chuyên viên hoặc nhà quản lý tại các công ty đang hoặc có dự định triển khai hoạt động và ứng dụng thương mại điện tử; Chuyên viên hoặc nhà quản lý tại các cơ quan nhà nước chuyên quản lý hoặc ứng dụng thương mại điện tử;

Giảng dạy trong lĩnh vực thương mại điện tử tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; Trợ lý cho các nhà quản lý trong trong hoạt động kinh doanh và kinh doanh thương mại điện tử của doanh nghiệp;

Quản lý hoặc trực tiếp thực hiện các hoạt động phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm v.v. tại các công ty phần mềm; Chuyên viên tư vấn thiết kế các giải pháp về mạng, phát triển hệ thống thông tin, quản trị cơ sở dữ liệu.

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP