Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa gửi công văn đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, liên quan đến việc cơ quan điều tra khởi tố bị can và bắt giam Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoàng Giang và Kế toán trưởng Phạm Xuân Quang.
Theo lãnh đạo BSR, công ty đã báo cáo các cấp có thẩm quyền và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc.
“Việc bắt tạm giam với ông Nguyễn Hoài Giang và ông Phạm Xuân Quang là việc cá nhân trong giai đoạn trước đây, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn”, thông tin của BSR khẳng định.
Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn. Ảnh: Minh Hoàng |
Ông Nguyễn Hoài Giang (sinh năm 1968), cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành lọc dầu Dung Quất, là một trong những người đầu tiên gắn bó với lọc dầu Dung Quất từ khi dự án này còn trên giấy (1999). Từ 2002-2003, ông Giang làm Phó phòng chuyên trách tự động hóa, rồi Phó tổng giám đốc kiêm Phó trưởng ban Ban Quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Sau đó, ông Nguyễn Hoài Giang lần lượt nắm các vị trí chủ chốt của lọc dầu Dung Quất, là thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc lọc hóa dầu Bình Sơn vào năm 2008.
Tháng 11/2012 ông Giang được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Ngày 10/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam và khám xét với Nguyễn Hoài Giang để điều tra tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc khởi tố, bắt giam ông Giang căn cứ kết quả điều tra vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và Ngân hàng Đại Dương - Oceanbank.
Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng có quyết định khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với Phạm Xuân Quang 38 tuổi, kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Đầu tháng 3, BSR đã chính thức chào sàn HNX với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu BSR là 22.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá trị cổ phần đăng ký giao dịch tính theo giá tham chiếu trong phiên chào sàn của BSR là hơn 5.407 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên đấu giá cổ phần, toàn bộ hơn 241,4 triệu cổ phần của BSR đã được bán hết cho 623 nhà đầu tư, trong đó có 62 nhà đầu tư tổ chức và 561 nhà đầu tư cá nhân. Đây cũng là phiên đấu giá ghi nhận về số lượng người đăng ký đấu giá cao kỷ lục, khối lượng đặt mua cao gấp 2,7 lần lượng chào bán, tương đương 652 triệu cổ phần.
Tại phiên đấu giá, giá trúng bình quân là 23.043 đồng/cổ phần, giá trúng thành công cao nhất là 14,8 triệu đồng/cổ phần, giá trúng thành công thấp nhất là 20.800 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư nước ngoài mua thành công 147,83 triệu cổ phiếu (61,2% số cổ phần chào bán).
Năm 2017, Bình Sơn ghi nhận sản lượng sản xuất đạt hơn 6,1 triệu tấn, doanh thu đạt 82.027 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 9.919 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.663 tỷ đồng. Kế hoạch 2018, BSR đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỷ đồng, nộp ngân sách 8.326 tỷ đồng và đạt lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ tại BSR là 1,3 tỷ cổ phẩn, chiếm 43% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6,4 triệu cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; gần 241,5 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1,5 tỷ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ
Tác giả: Bình Nguyên
Nguồn tin: zing.vn