Tin địa phương

"Loạn" biển hiệu, bảng quảng cáo chữ nước ngoài: Xử lý liên tục, vi phạm vẫn nhiều

Biển hiệu chữ nước ngoài xuất hiện nhan nhản trên nhiều tuyến phố du lịch tại Đà Nẵng. Dọc các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại, Ngũ Hành Sơn... những biển hiệu bằng chữ Trung Quốc, Hàn Quốc đủ màu sắc, kích cỡ gây "nhức mắt", không ít câu hỏi được đặt ra về công tác quản lý lĩnh vực này.

Không hiếm những cơ sở kinh doanh trưng toàn biển hiệu chữ nước ngoài lấn át chữ tiếng Việt

Nhiều người cố tình vi phạm luật

Trên các tuyến đường Hồ Xuân Hương, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Thoại... (TP Đà Nẵng) là những nơi có nhiều biển quảng cáo dày đặc chữ nước ngoài, lấn át cả chữ Việt. Theo những chủ cơ sở kinh doanh tại đây, chính vì đây là địa bàn khách du lịch nước ngoài (đặc biệt là khách Trung Quốc, Hàn Quốc) tập trung, nên các nhà hàng đều có xu hướng để bảng hiệu quảng cáo bằng tiếng của “số đông” cho dễ tiếp cận.

Chị Nguyễn Thanh T., chủ cơ sở bán đồ ăn trên đường Võ Nguyên Giáp cho biết: “Khách đến với quán chị chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, khách Việt Nam hầu như không có, cho nên việc để biển hiệu bằng chữ nước ngoài sẽ khiến khách nước ngoài hiểu và quan tâm hơn. Kinh doanh ai chẳng muốn đông khách, cứ cái gì tiện lợi và hiệu quả thì làm thôi. Mình phải chiều lòng theo số đông thì mới sống được”.

Không ít những trường hợp người thi công hiểu luật nhưng cố tình vi phạm vì lợi nhuận. “Là người trực tiếp thi công công trình, họ bắt buộc phải nghiên cứu luật, hiểu luật và có sự tư vấn, tham mưu cho chủ cơ sở làm đúng luật. Nhưng nhiều người cố tình làm sai, để khi cơ quan chức năng đến kiểm tra bắt “đập đi xây mới” thì những người thi công đó lại được lợi. Với những trường hợp này trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mời chủ cơ sở đến để phổ biến thêm kiến thức về pháp luật để họ tự kiểm tra, làm đúng. Không thể lúc nào cũng nói là không biết”, chị Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa – thông tin quận Sơn Trà khẳng định. Cũng theo chị Võ Thị Phương, trên địa bàn quận Sơn Trà, chỉ tính riêng trong năm 2017, quận đã phát hiện hơn 650 mẩu quảng cáo, rao vặt sai quy định. Trong đó lập biên bản đối với 75 trường hợp treo biển hiệu, biển quảng cáo sai quy định tại các tuyến đường chính.

Ảnh hưởng đến cảm quan người Việt và khách du lịch

Biển hiệu lạm dụng chữ nước ngoài gây bức xúc trong một bộphận người dân. Anh Nguyễn Thanh Bình (phường Hải Châu 1, Q. Hải Châu) bày tỏ: “Nhiều cửa hàng thế nhưng cũng chẳng biết họ đang bán gì, bởi biển hiệu toàn chữ nước ngoài, vào tận cửa hàng may ra mới biết. Cảm giác thật... lạ”.

Ông Lương Văn Á (đường Nguyễn Văn Thoại, Q. Sơn Trà) cho biết: Nhìn biển hiệu chữ tiếng Trung, tiếng Hàn đã... quá quen thuộc, nên mỗi lần đi thể dục mà nhìn thấy một tấm biển “thuần Việt” như trứng vịt lộn, bánh xèo, may đo quần áo... tự nhiên lại có cảm giác thân thương, quý giá. “Đáng lo ngại ở đây là việc quy định bảng hiệu, quảng cáo không chỉ nhằm cung cấp thông tin, tạo mỹ quan đô thị mà trong ý nghĩa nào đó còn thể hiện chủ quyền quốc gia, cần thực hiện nghiêm và thống nhất”, ông Á lo ngại.

Cảm giác ấy không quá khi chỉ một đoạn đường ngắn trên địa bàn quận Hải Châu, có đến 18 cơ sở kinh doanh dịch vụ trưng biển hiệu chữ nước ngoài. Từ thời gian phục vụ, các món ăn, loại hình dịch vụ cũng được ghi dưới tên cơ sở kinh doanh, trên các tấm bảng nhỏ hoặc dán ở cửa ra vào, hai bên hông cửa hiệu, nhà hàng hoàn toàn bằng chữ Anh, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tương tự, tại đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từLê Duẩn đến Lý Thường Kiệt) thuộc quận Hải Châu có 15 biển hiệu sử dụng có yếu tố tiếng nước ngoài, đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn) có 17 biển hiệu sử dụng chữ nước ngoài, đặc biệt làtiếng Trung...

Kiểm tra, xử phạt thôi thì không đủ

Ngày 6.3, Sở VHTT Đà Nẵng đã tiến hành, rà soát, kiểm tra một số trường hợp viết, đặt tên biển hiệu tại các cơ sở kinh doanh ở các tuyến đường ven biển quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn. Trong quá trình kiểm tra phát hiện 7 cơ sở thực hiện không đúng quy định về kích thước biển hiệu, không ghi đầy đủ bằng chữ Việt Nam theo Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, biển hiệu chỉ viết chữ nước ngoài, không sử dụng chữ Việt Nam, hoặc chữ nước ngoài ở trên, chữ Việt Nam ở dưới, có trường hợp chữ Việt Nam nhỏ hơn chữ nước ngoài (chủ yếu rơi vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage). Tính đến nay, trên địa bàn hai quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà đã hướng dẫn, yêu cầu 68 trường hợp khắc phục biển hiệu kinh doanh sai quy định. “Trong thời gian tới, Sở VHTT sẽ tăng cường phối hợp, tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh các biển hiệu kinh doanh trên địa bàn trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về viết, đặt biển hiệu nhằm tránh tình trạng thiếu hiểu biết dẫn đến sai phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải chỉ có xử phạt, mà phải tìm cách đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh doanh cho người dân với việcgiữ gìn bản sắc tiếng Việt. Vừa quảng bá thương hiệu đến du khách nước ngoài nhưng cũng phải trân trọng cảm xúc và giác quan của người địa phương”, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết.

Tác giả: MINH CHÂU

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP