Trước tình trạng doanh nghiệp (DN) sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chủ yếu dùng nguyên liệu mua từ nguồn trôi nổi trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM vừa có văn bản kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng theo hướng quy định cụ thể nguồn gốc hợp pháp của vàng nguyên liệu.
Cần xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu
Theo NHNN Chi nhánh TP, qua công tác quản lý cho thấy nguồn vàng nguyên liệu để các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chủ yếu từ vàng miếng, trang sức cũ phân kim lại, vàng nguyên liệu mua từ DN khác hoặc mua trôi nổi trên thị trường… Chỉ số ít DN dùng vàng miếng có nguồn gốc chứng từ để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong khi đó, nguồn vàng nguyên liệu mua trôi nổi trên thị trường để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ rất lớn nên rất ít DN có hóa đơn chứng từ đầu vào. Nghị định 24 quy định quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ nên việc xác định nguồn gốc vàng nguyên liệu hợp pháp là vấn đề cần quan tâm.
Ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ gần như lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc Ảnh: Tấn Thạnh
Đề xuất này trở nên hợp lý hơn trong bối cảnh giá vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Phiên giao dịch ngày 28-11, giá vàng SJC ở mức 35,8 triệu đồng/lượng, trong khi giá thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết chỉ 32,7 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn sẽ càng kích thích nhu cầu nhập lậu vàng để hưởng lợi, nhất là khi nhu cầu về vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang tăng cao.
Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã bắt quả tang Rim Ri Lim (50 tuổi, quốc tịch Campuchia) đang vận chuyển trái phép vàng với số lượng lớn qua biên giới. Tổng cộng 18 miếng kim loại màu vàng, được ghi ký hiệu bên ngoài là loại vàng 9999 trọng lượng 1 kg/miếng. Đối tượng này còn khai nhận đã vận chuyển cho người quen 3 đợt vàng trái phép qua biên giới cho thấy hoạt động buôn lậu vàng vẫn xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, nhìn nhận có tình trạng nhập lậu vàng và nguy cơ này gia tăng khi khoảng cách chênh lệch vàng SJC với thế giới lớn dần.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, việc chênh lệch giá vàng trong nước quá cao so với thế giới khiến các DN gia công và xuất khẩu vàng trang sức cho nước ngoài càng làm càng lỗ do phải mua vàng nguyên liệu với giá cao hơn quốc tế.
Doanh nghiệp đối mặt rủi ro
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng dù DN đã được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức nhưng lại không được nhập khẩu vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất mà phải mua vàng trôi nổi trên thị trường trong nước với giá cao hơn quốc tế khiến giá thành tăng cao và không thể cạnh tranh được với hàng ngoại. Điều này còn vô tình đẩy DN vào tình trạng luôn phải đối mặt với rủi ro pháp lý liên quan đến việc mua bán vàng bất hợp pháp.
Hiện cả nước chưa có trung tâm mua bán vàng nguyên liệu và NHNN cũng chưa cấp hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một DN nào. Do không ít DN mua nguyên liệu trôi nổi gặp vàng kém chất lượng, vàng giả nên nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu theo đường chính ngạch là không nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dưng, đến giờ các chính sách của NHNN lại chưa chấp nhận hoạt động này.
Từ những bất cập trên, NHNN Chi nhánh TP kiến nghị ngoài quy định DN được sử dụng vàng miếng mua của các tổ chức hợp pháp để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, cần quy định cụ thể nguồn gốc hợp pháp của các nguồn vàng nguyên liệu khác như nữ trang mua lại của khách hàng, nguồn vàng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ… Cụ thể, kiến nghị NHNN phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quy định cụ thể về chứng từ hợp pháp của nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Nhiều DN sản xuất vàng trang sức cho rằng quy định mua vàng nguyên liệu trôi nổi phải có chứng từ là rất khó, dường như không khả thi.
Sớm tất toán dư nợ cho vay bằng vàng |
Tác giả bài viết: THÁI PHƯƠNG
Nguồn tin: