Sáng 20-11, tại cuộc họp UBND TP Đà Nẵng, Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án: Đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn TP.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Theo ông Hùng, việc đầu tư ngay các trạm quan trắc môi trường là cần thiết, bởi việc quan trắc môi trường tại Đà Nẵng đang bộc lộ nhiều bất cập.
“Phần lớn các trạm quan trắc ở dạng trạm điểm, tần suất quan trắc rất mỏng, dữ liệu đơn lẻ, không liên tục nên khả năng phát hiện sự cố ô nhiễm hạn chế, không thể cảnh báo kịp thời. Với những hệ thống đơn lẻ như vậy không thể phản ánh chính xác chất lượng môi trường”, ông Hùng nói.
Nội dung tờ trình cho hay dự án sẽ đầu tư xây dựng 13 trạm quan trắc môi trường tự động. Trong đó có sáu trạm quan trắc không khí, ba trạm quan trắc nước sông, bốn trạm quan trắc nước biển.
Lộ trình của dự án cũng được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2019 đến 2021, đầu tư xây dựng bốn trạm quan trắc nước biển ven bờ. Hiện, Đà Nẵng chưa có trạm quan trắc ven biển. Ngoài ra cũng bổ sung ba trạm quan trắc không khí. Tổng kinh phí giai đoạn một gần 66 tỉ đồng. Giai đoạn hai sẽ triển khai từ sau năm 2022.
Góp ý vào dự án, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng nhìn nhận các trạm quan trắc này chỉ có thể đưa ra các thông số môi trường cơ bản, những thông số quan trọng khác vẫn phải dựa vào kiểm nghiệm.
Phản hồi lại, ông Hùng dẫn ví dụ về nguyên nhân cá chết tại bãi biển quận Liên Chiểu thời gian qua. “Nếu vừa rồi có trạm quan trắc, chúng ta đã có thể kết luận ngay nguyên nhân cá chết không phải do ô nhiễm chứ không cần đợi kiểm nghiệm mẫu nước mất mấy ngày”, ông Hùng nói.
Hệ thống quan trắc môi trường nước tại hồ công viên 29 Tháng 3, Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT |
Về việc này, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định trong lộ trình xây dựng TP thông minh, Đà Nẵng cần có càng nhiều trạm quan trắc càng tốt.
Ông Dũng đề nghị Sở TN&MT nghiên cứu tích hợp dữ liệu quan trắc vào hệ thống thông tin của dự án TP thông minh, tránh lãng phí.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, TP phải quyết tâm thực hiện việc đảm bảo môi trường. Qua đó, ông Thơ yêu cầu bên cạnh đầu tư các trạm quan trắc, các sở, ngành phải quản lý tốt hơn việc xả thải ra môi trường.
“Hiện tình trạng xả thải trên địa bàn TP rất bừa bãi, gần như không được kiểm soát. Vì vậy chúng ta phải tập trung thực hiện mạnh mẽ các chế tài xử lý, giải quyết được gốc rễ của vấn đề”, ông Thơ nói.
Sau thảo luận, 100% Ủy viên UBND TP Đà Nẵng có mặt biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án trên.
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM