Ngày 24-9, lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với ông Lê Quang Thái (SN 1969, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông) để điều tra hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Hợp thức hóa gỗ lậu bằng... tiền!
Năm 2017, Công ty TNHH Thảo Trúc (do Nguyễn Thành Kiệt làm giám đốc) ký hợp đồng mua đấu giá lô gỗ gần 600 m3 trục vớt từ suối Đắk Đam. Sau đó, cơ quan chức năng cho phép công ty này đưa người và phương tiện vào để vận chuyển gỗ mua đấu giá.
Công ty Thảo Trúc đã thuê Công ty TNHH MTV Long Vũ (do bà Đặng Thị Uyên Chinh làm giám đốc) vận chuyển gỗ. Ông Phan Hữu Phượng (tức Phượng "râu" - chồng bà Chinh) điều hành việc chở gỗ về các kho ở huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông).
Lợi dụng việc này, Phượng "râu" đã đưa lực lượng, phương tiện vào lán trại đóng cách Đồn Biên phòng 747 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) khoảng 500 m để phá rừng. Để hợp thức hóa gỗ lậu, Phượng "râu" đã đưa cho ông Bùi Văn Khang (SN 1964, thời điểm đó là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) hàng trăm triệu đồng để ông này ký xác nhận không đúng quy định nhiều bản kê lâm sản trong thời gian từ tháng 4-2017 đến tháng 9-2017.
Riêng ông Hà Thăng Long (SN 1981, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn) và một số cán bộ kiểm lâm cũng đóng búa bổ sung cho Công ty Thảo Trúc hàng chục lóng gỗ trái quy định và được "lại quả" hàng chục triệu đồng.
Hàng trăm m3 gỗ lậu của Phượng “râu” tập kết thời gian dài tại thị trấn Ea Tling nhưng lực lượng chức năng địa phương “không thấy” |
Gỗ lậu giữa thị trấn
Sau khi có gỗ lậu, Phượng "râu" vận chuyển về tập kết tại 5 xưởng gỗ ở huyện Cư Jút. Để không bị kiểm tra, xử lý, ông Kiệt và Phượng "râu" đã thỏa thuận chung chi cho ông Lê Quang Thái tổng cộng hơn 120 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút cũng buông lỏng quản lý, "không nghe, không thấy" 5 xưởng tập kết gỗ lậu của Phượng "râu" trên địa bàn huyện Cư Jút. Trong đó có nhiều xưởng nằm trong khu vực dân cư đông đúc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, ông Trần Văn Giảng (hạt trưởng) đã để xảy ra vụ việc vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép tại Công ty Long Vũ và Công ty Thảo Trúc với khối lượng lớn, trong thời gian dài. Ngoài ra, hai phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút, kiểm lâm phụ trách thanh tra - pháp chế hạt, trạm trưởng trạm kiểm lâm liên xã, kiểm lâm địa bàn cũng đang bị công an điều tra làm rõ trách nhiệm.
Để vận chuyển hàng trăm mét khối gỗ trong một thời gian dài từ khu vực biên giới về huyện Cư Jút, Phượng "râu" phải vượt qua địa phận quản lý của Đồn Biên phòng 747, Đồn Biên phòng 749 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk), Đồn Biên phòng Nậm Na (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông), Trạm Kiểm lâm số 10 (Vườn Quốc gia Yók Đôn - Đắk Lắk), 3 trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (tỉnh Đắk Nông) và Đồn Công an Ea Pô (Công an huyện Cư Jút). Hiện nay, những cán bộ có liên quan đã bị xử lý hành chính, một số cán bộ chờ kết quả điều tra của công an.
Phó giám đốc sở ký bừa bị... rút kinh nghiệm(!?) Ông Đinh Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, được xác định đã trực tiếp ký một số văn bản đề nghị cho vận chuyển, đôn đốc việc vận chuyển gỗ mua qua đấu giá, ghi sai quy cách và đơn vị tính khối lượng gỗ mua bán tài sản đấu giá; đôn đốc Phượng "râu" vận chuyển gỗ trong khi ông này đã vận chuyển hết số gỗ mua qua đấu giá ra khỏi Vườn Quốc gia Yók Đôn. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau khi xem xét các nguyên nhân chủ quan, khách quan, tinh thần tự giác nhận khuyết điểm và hứa khắc phục, sửa chữa của ông Diệu, cơ quan này thống nhất không thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật; yêu cầu ông Diệu nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
|
Tác giả: CAO NGUYÊN
Nguồn tin: Báo Người lao động