Tin địa phương

'Lỗ hổng' truy vết người mắc Covid-19 ở Đà Nẵng

Việc “để lọt” 3 ca mắc Covid-19 ở 1 đám ma tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng khiến dư luận lo lắng cho công cuộc phòng dịch gặp khó khăn hơn ở phía trước, thậm chí đối mặt với việc, mỗi ngày lai bắt đầu từ vạch xuất phát mới.

Tăng tốc xét nghiệm để truy vết người mắc Covid-19


Chưa kiểm soát hết đối tượng có nguy cơ cao

Chiều 16/8 chợ Tân An (người dân quen gọi chợ Phước Tường, thuộc quận Thanh Khê) chính thức thực hiện phong tỏa để tiến hành phun khử khuẩn đồng thời xét nghiệm cho các hộ tiểu thương. Khu chợ này liên quan ca bệnh số 887 là người phụ nữ bán xôi tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.

Điều đáng nói, theo thông tin dịch tễ đã được công bố, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 số 887 đã từng đến chợ Tân An 3 lần vào ngày 23/7, 4/8 và 12/8 và sáng 12/8, bệnh nhân này nhận kết quả xét nghiệm dương tính. Điều này đồng nghĩa, trong thời điểm dịch bùng phát mạnh, BN 887 nằm trong diện được lấy mẫu xét nghiệm và xét nghiệm để truy vết, vẫn ung dung ra ngoài kinh doanh thay vì được yêu cầu phải tự cách ly.

Theo Bs. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, từ chiều 14/8 đến trưa 15/8, TP. Đà Nẵng đã phát hiện 11 trường hợp dương tính (CDC phát hiện 10 trường hợp, BV 199 phát hiện 1 trường hợp). Trong số 11 ca mới này, có 3 trường hợp trong cùng một gia đình gồm N.T.T (1954), N.T.H. (SN 1968 và N.V.L (SN 1986) đều liên quan đến người mẹ tên N.T.L (ngụ Kiệt 160, Trần Cao Vân, quận Thanh Khê).

Tra lại thông tin dịch tễ, từ ngày 10 đến 19/7, bà L. đã nằm điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 11/8, qua rà soát, quận Thanh Khê đưa bà L. vào danh sách xét nghiệm vì liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, chưa kịp lấy mẫu, đến ngày 12/8, bà L. mất và được chôn cất ngày 14/8. Riêng 3 người con của bà L., sau đó được lấy mẫu xét nghiệm (do có người thân liên quan đến BV Đà Nẵng) và đến ngày 15/8, có thông báo dương tính với SARS-CoV-2.

Khu vực kiệt 160 Trần Cao Vân có khoảng 300 hộ, 1.600 khẩu thuộc các tổ 28, 29, 30 và một phần của tổ 24, 25. Ngoài ra, trong khu vực này cũng có 1 chợ nhỏ với khoảng hơn 20 tiểu thương buôn bán. Ngoài ra, một người con khác của bà L. tên N.V.L cũng có dấu hiệu nghi ngờ đang được rà soát kỹ lại. Ông N.V.L lại là Tổ trưởng Tổ dân phố khu vực này, vừa qua có đi phát phiếu đi chợ cho người dân trong tổ…

Từ tối 15/8, Sở Y tế đã phát đi thông tin khẩn kêu gọi những ai tham dự đám tang, cần liên hệ Trung tâm y tế địa phương để khai báo gấp. Từ khi nội dung kêu gọi của Sở Y tế được gửi, dư luận Đà Nẵng bức xúc cho rằng, khu vực này rõ ràng có nguy cơ cao vì liên quan dịch tễ có yếu tố bệnh nhân nằm Bệnh viện Đà Nẵng. Vậy tại sao ngay từ đầu, cơ quan chức năng không khoanh vùng, mà để xảy ra tình trạng lọt khỏi tầm kiểm soát, để đến khi xét nghiệm diện rộng, phát hiện 3 ca mắc.

Đã vậy, trong thời gian gian cách ly, địa phương còn để xảy ra tình trạng tổ chức đám tang đông người để rồi có thêm 200 F1 nữa. Đặc biệt, ghi nhận của PV, ngày 16/8, người dân ở khu vực này vẫn rất chủ quan, nhiều người còn không biết nơi mình sinh sống đã bị cách ly y tế khẩn cấp, thậm chí vẫn bế trẻ con đi ra vào các chốt chặn.

Ngoài ra, lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân số 915, ông L.H.C (SN 1954, ngụ tổ 29, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) vừa được Đà Nẵng công bố ngày 15/8 cũng khiến người bất bình với công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Theo đó, từ ngày 22/7 đến 24/7/2020, bệnh nhân tham dự Hội nghị và có tiếp xúc với Bệnh nhân số 800 (được Bộ Y tế công bố ngày 8/8). Ngày 26/7/2020, bệnh nhân tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tổ 29, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu cùng với H.N.S (K574 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) và Đ.T. V; và bệnh nhân có vào nhà hộ gia đình tại K6 đường Nguyễn Thành Hãn, quận Hải Châu, tiếp xúc với 2 người trong hộ gia đình là D.T. T.L và T.TB.C.

Như vậy, từ ngày 8/8, bệnh nhân đã thuộc diện F1 của bệnh nhân 800. Ngày 12/8/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng tại Trạm Y tế phường Hòa Thuận Tây. Thế nhưng, ngày 13/8, bệnh nhân vẫn đi ra ngoài, cho đến tối cùng ngày được thông báo có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Kiên quyết chấn chỉnh thiếu sót

Tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thường trực Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo, tại Đà Nẵng, đỉnh dịch khả năng vào ngày 15/8. Sau 15/8, số trường hợp mắc có thể giảm. Tuy nhiên, với thực tế những gì đang diễn trong việc quản lý từ chính quyền, cùng với sự chủ quan của người dân, nhiều chuyên gia y tế lo lắng, nếu không kiên quyết, Đà Nẵng sẽ phải đối mặt với việc, mỗi ngày lại bắt đầu từ vạch xuất phát của cuộc chiến này.

Trong báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị chính quyền địa phương phải giám sát thật tốt tất cả các đám tang trên địa bàn.

“Bất luận đám tang nào cũng phải yêu cầu chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh, không được phép để đông người tiếp xúc. Tôi đề nghị các địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc tại đám tang ở Kiệt 160, Trần Cao Vân. Qua việc này, chứng tỏ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương chưa được chắc. Lãnh đạo các quận, huyện phải chỉ đạo, chấn chỉnh ngay, không để xảy thêm một lần nữa”, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh...

Cùng với đó, tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các quận huyện, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng, Đà Nẵng phải sẵn sàng cho tâm thế ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng. “Không thể lấy con số báo cáo để làm yên lòng được khi mà công tác quản trị của chúng ta trong vấn đề truy vết người mắc Covid-19 có nhiều lỗ hổng, còn thiếu sót”, ông Thơ thừa nhận.

Đối với việc chủ quan của người dân, mới đây, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng đã ra văn bản về việc hướng dẫn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi “đi ra ngoài trong trường hợp không cần thiết” trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội.

Thứ nhất, áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 11, Nghị định số 176 của Chính phủ năm 2013, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Thứ hai, áp dụng điểm c, khoản 1, Điều 11, Nghị định số 176 của Chính phủ năm 2013, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Sở Tư pháp khẳng định Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu người dân chỉ ra người trong trường hợp cần thiết, không tụ tập đông người... Do đó, nếu người dân đi ra ngoài và tụ tập đông người tại nơi công cộng sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên có thể áp dụng quy định này để xử phạt.

Bộ Y tế chiều 16/8 ghi nhận thêm 11 ca nCoV, trong đó Đà Nẵng 8 ca, Hà Nội một và hai ca nhập cảnh cách ly ngay. Như vậy, đến 18h hôm qua, cả nước ghi nhận 12 ca nhiễm mới, 9 người khỏi bệnh, một ca tử vong. Tổng số ca nhiễm cả nước lên 962, trong đó 456 người đã khỏi, 24 ca tử vong, còn 482 bệnh nhân đang điều trị.

Tác giả: Vũ Vân Anh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: Covid-19 , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP