Ngày 24/3/2019, theo thông tin từ tờ Lao động đăng tải, trong số 44 thí sinh ở Sơn La được sửa bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 thì có nhiều thí sinh có bố làm trong ngành công an, giáo dục của tỉnh.
Đơn cử như trường hợp của T.N.D (học chuyên Văn) là thí sinh có tổng điểm các môn cao nhất cả nước (Toán: 9,6; Ngữ văn 9,0; Lịch sử 10; Địa lý: 8,25; Tiếng Anh 10). Bố mẹ N.D đều làm trong ngành công an.
N.Y.K, có điểm rất cao khối D1 (Toán 9,6; Văn 9; tiếng Anh 9,6). Theo phản ánh của phụ huynh ở Sơn La, học sinh N.Y.K là con một vị cán bộ trong ngành giáo dục của tỉnh.
Sở GD&ĐT Sơn Lan. |
Rất nhiều thí sinh khác suốt thời gian qua đã bị bạn bè nghi ngờ, chịu nhiều gièm pha, cho rằng điểm cao nhờ đi “mua”. Trong số này, nhiều em đã nhập học vào các trường công an, quân đội, y dược.
Việc công bố danh sách thí sinh gian lận thi cử sẽ là cách để những thí sinh bị nghi ngờ mua điểm, nếu học thật thi thật thì được “minh oan” và trả lại danh dự.
Nhiều phụ huynh ở Sơn La có con tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cũng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm vụ việc sửa bài thi cho dù đó là con của bất cứ lãnh đạo nào.
Chị Hoa - sống tại Sơn La chia sẻ, việc công bố danh sách gian lận sẽ giúp lấy lại công bằng cho nhiều học sinh khác, bởi nhiều nguồn tin cho rằng, không ít thí sinh có điểm cao bất thường trong tỉnh là con cháu lãnh đạo các phòng ban.
“Con chúng tôi được hưởng nửa điểm ưu tiên cũng quá khổ sở. Nhiều em gia đình không có điều kiện, để đạt được 22, 23 điểm phải khổ luyện học hành. Trong khi đó nhiều người học hành làng nhàng, không chú tâm mà điểm thi 3 môn nâng lên 26,55 tức gần 9 điểm/ môn. Điều đó thực sự bất công” - chị Hoa nói.
Chị Dung, một phụ huynh khác tại tỉnh Sơn La cũng cùng chung nỗi bức xúc. Là một người đầu tư cho việc học hành của con, chị Dung cho biết, bản thân chị phải mất rất nhiều tiền cho con đi học thêm, thậm chí là nhiều khóa học khác ở bên ngoài nên điểm thi tiếng Anh của con mới đạt được 8.5 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Vì vậy, việc nhiều thí sinh không học hành tử tế nhưng nghiễm nhiên được 9, 10 điểm/ môn là điều vô cùng bất công.
Kết quả cao hay thấp, theo chị Dung, 44 học sinh chắc chắn không thể được đi học nữa. Chị Dung lấy dẫn chứng, có không dưới 3 em tại địa phương của chị, Thị trấn Hát Lót (Mai Sơn), sau khi thi xong đều không giấu diếm bạn bè rằng “đã được lo lót và chắc chắn đỗ”.
“Những em này đều có người nhà làm chức to hoặc làm ở các ban thi. Các em đã đỗ vào những trường ĐH lớn và vẫn đang theo học. Tôi khẳng định những học sinh này đều biết việc mình được nâng điểm.
Trong khi con cái chúng tôi cũng đi học, cũng chật vật ôn luyện nhưng những học sinh khác chỉ cần có tiền đã vào được trường đại học lớn thì quá bất công. Tôi mong các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm những người vi phạm”, chị Dung bày tỏ.
Tác giả: Ngọc Mai
Nguồn tin: Báo Đất việt