"Sức đề kháng" của doanh nghiệp... quá yếu!
Tại buổi giới thiệu chương trình Vietnam CEO Forum 2016, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) đã công bố con số mà nhiều người "có tâm, có tầm" với nền kinh tế đất nước hết sức lo lắng khi 96% doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng "mịt mù" thông tin, "sức đề kháng" quá yếu khi hội nhập.
Một nền kinh tế mà doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 96% là quá... "mong manh". Thế nhưng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thậm chí phải bỏ cuộc sớm khi bước vào sân chơi toàn cầu với nhiều thách thức, cơ hội mới thì càng đáng lo ngại.
Doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết để vươn ra biển lớn
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chậm và có xu thế tụt hậu so với các nước khu vực và các nước phát triển. Xét về yếu tố thể chế kinh tế, Việt Nam xếp hạng 92 thế giới, đứng thứ 9 trên 10 quốc gia của khu vực ASEAN, chỉ trên Myanmar. Xét về yếu tố sáng tạo, Việt Nam đứng hạng 87 thế giới còn về mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới thì càng thấp, xếp hạng 99.
Trong bảng xếp hạng 50 quốc gia về cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của WTO thì Việt Nam có thứ hạng thấp nhất. Trong khi đó các quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN lần lượt là Singapore (14), Malaysia (19), Thái Lan (25) và Indonesia (32).
Trong báo cáo năm 2014 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy mức độ cải thiện năng suất lao động Việt Nam đang giảm. Giai đoạn 2002 - 2007 năng suất lao động (NSLĐ) của VN tăng 5,2 %/năm nhưng đến năm 2013 thì chỉ còn 3,3%. Điều này là nguyên nhân khiến chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI - Global Competiveness Index) bị giảm liên tục. Năm 2011 Việt Nam được xếp thứ 59, năm 2012 xếp thứ 65; năm 2013 xếp thứ 75.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự yếu kém năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các nước do nhiều yếu tố cốt lõi trong sản xuất kinh doanh.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt thiếu đầu tư vào nghiên cứu phát triển thị trường, thiếu chiến lược về phát triển sản phẩm và thương hiệu. Sự yếu kém về xây dựng và phát triển thương hiệu đã góp phần làm yếu khả năng cạnh tranh.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự yếu kém năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với các nước do nhiều yếu tố cốt lõi trong sản xuất kinh doanh
Nói mãi mà làm được không?
Theo Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, khó về đất đai, nhà xưởng, khó về nguồn lực, khó về quản trị, khó cả về đầu ra.
Ông Trần Đức Huy, Phó Chủ tịch YBA cho rằng, liên kết là một vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, phát huy nguồn lực quốc gia và hội nhập quốc tế. Do đó, nhu cầu liên kết phù hợp mang tính chiến lược của các CEO nhằm tạo ra sức bật cạnh tranh, khai phá thị trường mới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… đang "cấp thiết" hơn bao giờ hết.
Còn nhớ, khi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bước vào "giờ G", tại Việt Nam liên tiếp diễn ra nhiều chương trình tọa đàm, hội thảo nói về tính liên kết, đoàn kết để chuẩn bị sẵn sàng bước vào sân chơi lớn. Thế nhưng, theo kết quả khảo sát, có hơn 50% doanh nghiệp còn khá mù mờ về thị trường "ao làng" ASEAN thì nói gì đến tầm thế giới.
"Liên kết sức mạnh Việt, nói mãi mà làm được không? Tất nhiên là có làm mà chưa có hiệu quả rõ rệt. Tôi mong rằng, các giám đốc điều hành (CEO) cùng nhau định nghĩa lại sự liên kết và hợp tác thành công trong kinh doanh. Có thẳng thắn nhìn nhận và hiểu biết nhất định thì mới nhìn thấy được những liên kết phù hợp hơn để tạo ra sức bật khai phá thị trường mới, cạnh tranh, tham gia chuỗi giáo trình toàn cầu", ông Huy nói.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp TPHCM chia sẻ: "Bạn chỉ có thể tự tin khi liên kết đối thủ khi biết bạn thực sự mạnh điều gì? Để tạo ra thế năng cho mình, để quyết định tại sao họ phải liên kết với bạn thậm chí trong cùng sân chơi với mình. Như vậy thì sân chơi sẽ lớn hơn, đối thủ thắng mà mình cũng thắng".
Tác giả bài viết: Công Quang