“Đẹp không tì vết”
Bà Đinh Kim Nhung - đại diện HTX Xoài Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), nơi cung cấp xoài cho DN xuất khẩu - cho rằng xoài chọn đi Úc phải có mẫu mã đẹp, không tì vết, trọng lượng từ 500-650 g/quả. Tuy nhiên, để có được quả đẹp, từ trước đó 8 tháng, nông dân đã phải lo khâu trồng trọt từ tưới nước, bón phân, bao trái… theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số đủ chuẩn xuất khẩu đi thị trường Úc. “Lô đầu tiên nông dân chưa quen với yêu cầu của thị trường Úc nên tỉ lệ hàng đạt chỉ 20%, số còn lại vẫn đủ tiêu chuẩn xuất đi thị trường khác nhưng bù lại giá DN mua cao gấp rưỡi bán nội địa nên họ rất phấn khởi” - bà Nhung chia sẻ.
Nông dân Đồng Tháp đang hái xoài xuất khẩu đi Úc
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại và Du lịch Suối Lớn (Đồng Nai), cho biết HTX của ông cũng vừa tiếp một số khách hàng Úc, Nhật Bản đến liên hệ đặt mua xoài. “Chúng tôi đang xúc tiến các thủ tục pháp lý (xin cấp mã số vùng trồng, nhà máy đóng gói, chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng) để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu” - ông Bảo thông tin.
Theo ông Huỳnh Lê Quang Nhật, sau lô xoài xanh, đầu tháng 10 tới, DN sẽ đưa xoài cát chu đi Úc với số lượng lớn hơn. Nguồn hàng sẽ vẫn được thu mua từ HTX Xoài Tân Thuận Tây, là loại trái già để dễ bảo quản và sang Úc bán dưới dạng quả chín. “Trung Quốc là thị trường truyền thống của trái cây Việt Nam, dễ tính, chỉ cần nhìn trái là mua, không cần chứng minh về quy trình canh tác, an toàn thực phẩm nhưng lại hết sức thất thường, thường xuyên bị ép giá. Do vậy, công ty đang tập trung khai thác thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và sắp tới là Mỹ khi nước này mở cửa cho quả xoài” - ông Nhật nói.
Bảo đảm tuyệt đối về an toàn thực phẩm
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết số lượng trái cây tươi xuất khẩu vào các thị trường khó tính năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt năm 2016 sản lượng có thể tăng gấp đôi so với năm 2015 (khoảng 8.000 tấn). Trong đó, thị trường Mỹ có số lượng lớn nhất, chiếm khoảng 75% (3.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2016). Tuy nhiên, trái cây Việt xuất sang Úc, Mỹ… hiện chỉ mới tiêu thụ ở cộng đồng người Việt, dân châu Á.
Nếu khai thác thêm đối tượng khách hàng bản địa thì dư địa thị trường còn rất lớn. Để khai phá được phân khúc này, DN Việt cần có tiềm lực mạnh hơn. Nông dân Việt Nam cần xác định “chung thuyền” với DN, phải làm được hàng rải vụ để DN có hàng quanh năm, chất lượng đồng đều và nhất là bảo đảm tuyệt đối về an toàn thực phẩm.
“Với thị trường khó tính, chỉ một lô bị nước nhập khẩu phát hiện vi phạm, bị hủy hàng là triệt tiêu 15 lô xuất khẩu thành công. Không nên đánh giá hiệu quả, lợi nhuận của việc xuất khẩu trái cây đi thị trường khó tính riêng về giá trị mà còn ở khía cạnh thương hiệu của trái cây Việt Nam.
Hiện tại, tỉ lệ trái cây xuất khẩu đi Mỹ, Nhật… trong cơ cấu thị trường xuất khẩu còn thấp nên tác động còn nhỏ, nếu tỉ lệ này đạt khoảng 10% thì trái cây Việt Nam có thể nổi tiếng cả thế giới về chất lượng, an toàn thì thị trường nhập khẩu không thể ép giá” - vị đại diện này phân tích.
Ông Chu Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, cũng nhận xét tình hình xuất khẩu trái cây đi thị trường khó tính tiến triển tốt, đều đặn, hàng đến nước nhập khẩu đều đạt chất lượng tốt. Tiềm năng của những thị trường “nhà giàu” này còn rất lớn nhưng Việt Nam vẫn còn yếu ở khâu quảng bá.
“Khi tôi đi công tác ở Nhật Bản, ăn thử xoài Okinawa thấy cũng như xoài Việt nhưng họ bán ra giá tới 10 USD/quả. Ở đó, cây xoài được nâng niu tới mức trồng nhà kính, bao trái còn táo thì nông dân còn “xoay” mỗi ngày để đón đủ ánh nắng.
Ngay cả hộp đựng cũng đẹp, sang trọng để làm quà biếu nên định vị được phân khúc cao cấp. Họ còn làm những video clip kể câu chuyện hành trình của quả táo, xoài từ lúc trồng, lớn lên, ra hoa, bao trái, thu hoạch, vận chuyển, bày bán, cách ăn… cực kỳ ấn tượng. Trong khi đó, trái cây Việt chỉ âm thầm lan tỏa trong cộng đồng người Việt, châu Á, vốn đã biết ăn những loại quả này” - ông Châu đánh giá.
Yếu công nghệ bảo quản |
Tác giả bài viết: Ngọc Ánh