Giải trí

Lệ Quyên: “Giọng hát của tôi không ai thay thế được”

“Lệ Quyên chỉ có một. Tôi đã chia sẻ rồi, có thể ngày mai có người nổi tiếng hơn mình. Nhưng người đó là người đó, không phải Lệ Quyên. Đấy là điều tôi khẳng định”, nữ ca sĩ được mệnh danh là “Nữ hoàng bolero” chia sẻ.

Đang được mệnh danh là "Nữ hoàng Bolero" tại sao Lệ Quyên lại chuyển sang hát nhạc Trịnh Công Sơn? Có phải vì thời gian qua bolero là mảnh đất bị "đào xới" quá nhiều nên chị sợ khán giả sẽ bị bão hòa?

Không phải ngẫu nhiên mà bolero có sức sống rất lâu bền, qua nhiều thập kỷ. Bolero như ngọc, như kim cương vậy, càng để lâu càng có giá. Tôi vẫn luôn có cách làm những ca khúc Bolero mà mình hát trở nên chất lượng hơn.

Còn đến với nhạc Trịnh là cái duyên và cũng là để thỏa niềm đam mê. Thực ra, cũng giống như trước kia, nếu tôi không hát bolero thì mọi người cũng sẽ nghĩ tôi không hát được bolero. Và khi đã hát được bolero rồi thì sẽ không còn ngại bất kỳ một dòng nhạc nào nữa bởi vì bolero là khó nhất và đặc trưng nhất rồi.

Tôi thấy thời điểm này mình hát nhạc Trịnh là hay nhất. Nhạc Trịnh rất bình dị rất gần gũi với mọi người nhưng để thể hiện được cái bình dị đó một cách nồng nàn không bị cường điệu, không bị khô cứng không bị áp lực thì đó là một bài toán không hề đơn giản. Và sau 20 năm bước vào nghề, tôi để dành đến giờ, bởi đây là lúc tôi hát nhạc Trịnh thật Trịnh.

Lệ Quyên chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt liveshow "Ru đời đi nhé" sẽ diễn ra ngày 18/1 tại Hà Nội: "Tôi mất 20 năm để hát nhạc Trịnh"

Trước chị, nhạc Trịnh đã có những tượng đài như Khánh Ly hay Hồng Nhung… Chị có cảm thấy áp lực trước sự so sánh của khán giả?

Khi hát nhạc Trịnh, tôi sẽ không thể nào là Hồng Nhung, càng không thể là danh ca Khánh Ly. Lệ Quyên chỉ là Lệ Quyên.

Tôi là ca sĩ xuất thân từ nhạc trẻ. Trước khi hát bolero, ít ai nghĩ Lệ Quyên hát được; nhưng đến giờ, như bạn thấy đã có nhiều người thích nghe tôi hát bolero. Và khi đã hát được bolero thì dường như không có loại nhạc nào không hát được nữa.

Nhạc Trịnh khác biệt bởi sự giản dị, đằm sâu và có điểm đặc biệt là nhạc Trịnh gần hơn với nhạc trẻ, nhạc tiền chiến nhưng lại không phải nhạc trẻ hay tiền chiến. Và ở yếu tố này thì nhạc Trịnh không làm khó ca sĩ xuất thân từ nhạc trẻ như tôi được.

Nhờ bolero mà tôi đã học được kỹ thuật để có cột hơi trường, mượt khi thể hiện nhạc Trịnh. Tôi coi tất cả các thể loại nhạc như những ông thầy để đến giờ mình có thể hát được các ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Nói thật, khi làm album nhạc Trịnh, tôi còn thấy ít hoang mang hơn khi làm album bolero.

Gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có phản hồi gì khi Lệ Quyên hát nhạc Trịnh?

Chị Trịnh Vĩnh Trinh chưa nghe tôi hát nhạc Trịnh Công Sơn nhưng chị rất thích giọng hát của tôi. Chị Trịnh Vĩnh Trinh là người đại diện cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và chị rất là dễ thương. Khi làm album nhạc Trịnh, tôi ra nhà tưởng niệm của cố nhạc sĩ họ Trịnh chụp ảnh. Chưa có ca sĩ nào làm điều đó cả.

Trong nhà tưởng niệm có bàn thờ, tôi đã trò chuyện và xin cố nhạc sĩ giúp mình đạt được cảm xúc tốt nhất để hát album này thật hay. Đây là những ca khúc tôi hát từ khi còn nhỏ. Tôi yêu ca khúc của Trịnh Công Sơn từ lâu rồi. Khi hát thể loại nhạc nào, tôi đều tôn trọng thể loại nhạc đó nhưng vẫn đưa chất rất riêng của mình vào, thế mới có thể chinh phục khán giả.

Và tôi cảm nhận sự linh nghiệm, chưa bao giờ tôi vào phòng thu album mà giọng hát của mình hay đến như vậy. Nó nhẹ nhàng, bay bổng. Hát nhẹ nhàng, khó gấp tỷ lần hát to, hát khỏe. Tôi tiết chế được điều đó, làm được mọi thứ một cách kỳ diệu.

Tôi thấy hơn ai hết, anh Trịnh Công Sơn là người nghe trước. Sau đó là gia đình anh, những người khắt khe hơn và đến khán giả. Tôi nghĩ là, trên hết mọi người sẽ cảm nhận được cảm xúc của tôi.

Nữ ca sĩ khẳng định rằng không có người thứ hai hát giống Lệ Quyên.


Lệ Quyên có nói “Tôi đã hát Bolero thì không có ai thay thế được”, liệu chị phát ngôn như thế có quá tự tin?

Không phải là không ai thay thế được Lệ Quyên. Mà không có một Lệ Quyên thứ hai. Giọng hát của Lệ Quyên, không có người thứ hai hát giống Lệ Quyên được. Chứ không phải không ai thay thế được cái đỉnh cao, sức hút của Lệ Quyên.

Lệ Quyên thì không thể người khác là Lệ Quyên được, chắc chắn là như thế. Lệ Quyên chỉ có một. Tôi đã chia sẻ rồi, có thể ngày mai có người nổi tiếng hơn mình, nhưng người đó là người đó, không phải Lệ Quyên. Đấy là điều tôi khẳng định.

Nhưng chị nghĩ sao khi không phải ai cũng chấp nhận cách chị hát bolero. Mới đây, “ông vua nhạc sến” Vinh Sử nhận xét đại ý rằng, Lệ Quyên hát bolero chỉ ở mức…dễ nghe, thậm chí chỉ là “ca sĩ thị trường” với dòng nhạc này?

Tôi chỉ thường mỉm cười. Người nghệ sĩ nên mỉm cười dù có khi nước mắt chảy vào trong. Nghệ sĩ như làm dâu trăm họ, mọi thứ đều có thể xảy ra. Tôi hát mà không bị các bác, các chú chê là diễm phúc rồi.

Những người nghệ sĩ “gạo cội” đã lắng nghe mình như một khán giả, người thích mình có, người không thích có. Mà đôi khi, trong một ngữ cảnh nào đó, người nói theo ý này, nhưng người truyền đạt lại theo hướng khác. Tôi thấy không sao cả. Tôi luôn lắng nghe, nghiêm túc nhìn nhận mọi ý kiến…

"Tôi mất 15 năm để gây dựng quãng thời gian rực rỡ 5 năm trở lại đây. Đó thực sự là điều may mắn vì không ai có thể cũng mất từng ấy năm mà rực rỡ."


Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp ca hát, nhớ lại quãng thời gian mới đi hát ở các phòng trà Hà Nội, rồi quãng thời gian Nam tiến không hề dễ dàng…, chị có thể chia sẻ điều gì?

Tôi mất 15 năm để gây dựng quãng thời gian rực rỡ 5 năm trở lại đây. Đó thực sự là điều may mắn vì không ai có thể cũng mất từng ấy năm mà rực rỡ.

Mỗi người sẽ có phần phước khác nhau, có số phận khác nhau, quan điểm sống khác nhau, nhìn vào cuộc đời họ sẽ biết quan điểm sống của họ. Sóng gió không tự nhiên có, đôi khi nó là những điều xảy ra ngoài ý muốn, không ai dám nói hay điều đó. Bản thân tôi, đương nhiên là như vậy. Nhưng bình yên cũng là sự lựa chọn. Tất cả đều là sự lựa chọn của mình trước, sau đó những hệ lụy xảy ra tốt có, xấu có. Đấy là điều tôi cảm nhận.

Tôi tự hứa rằng, luôn giữ sự bình yên cho tâm hồn của mình, giữ sự sáng suốt nhất có thể cho quan điểm của mình, giữ sự miệt mài hăng say nhất cho lao động nghệ thuật của mình.

Tác giả: Nguyễn Hằng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP