Du lịch

Lễ hội Mường Xia sắp tổ chức đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo thông tin từ UBND huyện Quan Sơn, từ ngày 28-2 đến 1-3, huyện Quan Sơn sẽ tổ chức Lễ hội Mường Xia năm 2023 và tổ chức đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Xia.

Lễ hội Mường Xia, Thanh Hoá. Nguồn: internet.


Lễ hội Mường Xia là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái huyện Quan Sơn, Thanh Hoá.

Đây là dịp để người dân tri ân, tưởng nhớ công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lớn trong việc diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương và mang lại cuộc sống thanh bình, ấm no cho người dân dọc biên giới miền Tây xứ Thanh.

Theo kế hoạch, Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Xia và Lễ hội Mường Xia năm 2023 sẽ được tổ chức quy mô cấp huyện. Lễ khai mạc bắt đầu từ 8 giờ ngày 1/3/2023 (tức ngày 10/2 năm Quý Mão) tại sân Lễ hội bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy).

Lễ nghi tại 5 điểm thờ cúng, gồm: địa điểm Hòn Đá Vía; đền Chính thờ thần Tư Mã; Xứa Tú Nặm - nơi núi Pha Dùa; Sần Cuống Xộp Xia để cúng lễ cho binh lính của thần bị chết trận; và cuối cùng là Sần Phiềng Phay.

Lễ hội được tổ chức 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm nghi lễ rước đá vía, đồ tế lễ về đền và dâng hương tại Đền thờ Tư mã Hai Đào.

Phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa về chuyện tình Pha Dua và Tướng quân Tư mã Hai Đào. Nhằm tôn vinh về tình yêu của đôi trai tài gái sắc nơi núi Pha Dùa, những phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người Thái đất Mường Xia và thể hiện sự tri ân công đức của các thế hệ đối với vị thần có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, xây dựng Mường Xia trở nên phồn thịnh.

Ngoài ra, trong lễ hội huyện Quan Sơn còn tổ chức giải bóng chuyền cấp huyện, các trò chơi dân gian truyền thống và tổ chức hội thi văn nghệ quần chúng tại các điểm du lịch cộng đồng bản Ngàm (xã Sơn Điện), động Bo Cúng (xã Sơn Thủy) và các hoạt động tham quan trải nghiệm…

Đến với Lễ hội Mường Xia, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Hủa Phăn (Lào) đã được đắm mình trong từng lời ca, tiếng hát, say sưa với những âm thanh ngàn đời của các nhạc cụ dân tộc như khua lóng, cồng chiêng, khèn bè… và ngắm nhìn bộ trang phục truyền thống được thêu dệt nên bởi bàn tay khéo léo của đồng bào nơi đây.

Tác giả: Thanh Hạ

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP