Kinh tế

Lão nông biến rác thành tiền

Vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Đỗ Xuân (74 tuổi, ở xã Phong Mỹ, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) vẫn tìm tòi, sáng tạo, thành lập cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh Phong Mỹ, vừa thân thiện với môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

7 YROH jpg

Cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh thân thiện môi trường, lợi cây trồng lợi kinh tế


Bén duyên với rác

Năm 2011, ông Xuân là người nông dân tiêu biểu của xã Phong Mỹ được tham dự hội thảo về vấn đề phục hồi và tái sử dụng các vùng đất bị suy thoái do chất độc hóa học sau chiến tranh tại TP Huế và hướng dẫn ông sử dụng men vi sinh trong sản xuất. Hội thảo kết thúc nhưng ông Xuân luôn trăn trở về một sản phẩm hữu cơ vi sinh nên tiếp tục mày mò, học hỏi và quyết định áp dụng kiến thức để sản xuất.

Ông Xuân nghĩ đến những loại rác hữu cơ rất “thân thuộc” từ rác thải sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp như mùn cưa trong xưởng gỗ của con trai, bịch nấm của doanh nghiệp sản xuất nấm, rơm rạ hay những cây hoa bèo… đều có thể tận dụng trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào để làm phân hữu cơ vi sinh. Nguyên liệu sẵn có tại địa phương vốn là những thứ bỏ đi chẳng ai hay tiếc ấy được ông Xuân gom góp mua về chất đầy nhà.

Rác qua bàn tay cần mẫn của ông Xuân được ủ theo phương pháp háo khí 3 tháng ròng và trộn với men vi sinh làm quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn, ít mầm bệnh hơn. Sau 5 năm theo đuổi rác, giờ đây ông Xuân đã sở hữu một cơ sở sản xuất phân từ rác với năng suất đạt khoảng 30 tấn/1 năm.

a pxcr jpg


Biến rác thành tiền

Cũng như những người khác trong tổ đội 4 trồng cao su Tân Mỹ, vườn cao su của gia đình ông Xuân sau một thời gian khai thác quá mức đang có nguy cơ “chết trước tuổi”. Không đốn bỏ như nhiều gia đình, ông bón phân hữu cơ vi sinh do chính mình sản xuất. Một thời gian, cao su cho mủ đặc hơn và sản lượng bình thường trở lại. Tình trạng thoái hóa do dùng nhiều phân hóa học và bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh dần cải thiện, tăng độ mùn trong đất, đất tươi xốp...

Tuy nhiên, cho rằng phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức nên nhiều người cùng làm với ông Xuân lúc này đã bỏ cuộc trước khi nhìn thấy thành quả. Mọi người lùi bước, ông Xuân lại chẳng hề lung lay. Ông tự mình kiểm nghiệm sản phẩm phân hữu cơ vi sinh trên mảnh vườn nhà và nhận thấy chi phí bỏ ra cho 1 tấn NPK lên đến 9 triệu đồng với lượng dùng là 550kg/1 năm/1 ha. Trong khi đó nếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh thì chỉ có giá từ 4 -5 triệu đồng nên lại càng có động lực.

Năm 2014, Dự án Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế về khảo sát nguyện vọng của bà con Phong Mỹ liên quan đến hướng đi mới trong sản xuất, ông Xuân mạnh dạn đề xuất mong muốn có một máy xát và trộn rác hữu cơ để tái sản xuất thành phân vi sinh với mục đích mang lợi ích của loại phân bón này chia sẻ với tổ trồng cao su với 120 ha của mình.

Nhận thấy mong muốn của ông Xuân là chính đáng, thông qua việc thực hiện dự án hỗ trợ cho ông 30 triệu đồng mua thiết bị, xây 2 bể ủ có thể chứa 18m3 phân bằng Plot xi măng, có mái che và 1 bể ủ để quá trình sản xuất được thuận lợi hơn.

Năm 2016, với sự hỗ trợ tích cực của dự án năm thứ ba, ông Xuân đã xây thêm 2 bể ủ, 1 kho chứa để sản xuất gối vụ, được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung, trường ĐH Nông Lâm Huế giúp đỡ đưa mẫu phân đi phân tích và nhận được chứng nhận của Sở Khoa học và công nghệ về thành phần đảm bảo quy chuẩn để thành lập cơ sở sản xuất phân.

Số tiền bán phân đầu tiên được ông sử dụng xây sân phơi và tiếp tục thu mua nguyên liệu. Nhìn thành quả của những giọt mồ hôi đã rỏ xuống để cây cối lớn lên, ông Xuân thật tình chia sẻ: “Ngoài cao su, hiện gần 3000 bịch gừng và nghệ được chăm bón bởi phân vi sinh đang lên mỗi ngày một xanh mướt. Tôi mong sao phân hữu cơ vi sinh Phong Mỹ thương hiệu Đỗ Xuân ngày càng được nhiều người biết đến và sử dụng. Rác có thể biến thành tiền nhờ bón cho cây trồng tươi tốt và an toàn nếu mọi người bỏ qua thì thật uổng phí”.

Tác giả bài viết: Bảo Hòa - Quang Tám

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP