Kinh tế

Lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc: Do quản lý lỏng lẻo

Nghệ An có 11 huyện (đứng đầu cả nước) bị Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động, do số lượng lao động bỏ trốn vượt quá 60 người/huyện. Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu Sở LĐTBXH tỉnh báo cáo về việc này. Việc người lao động hết hợp đồng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc là do người lao động thiếu ý thức, quản lý yếu kém mặt khác còn do một số DN Hàn Quốc lợi dụng việc này để thuê lao động giá rẻ.

11 huyện, thị Nghệ An buộc tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc

Đến cuối năm 2015, huyện Yên Thành (Nghệ An) có 121 lao động tại Hàn Quốc hết hạn không về nước; năm 2016, 133 người hết hạn và khoảng 250 người đang trong thời hạn hợp đồng. “Nhiều năm qua, phía Hàn Quốc đã cảnh báo sẽ tạm dừng tiếp nhận lao động nếu địa phương có số lao động bỏ trốn nhiều. Chúng tôi đã tiến hành rất nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng hạn. Chính tay tôi đã ký hàng trăm thư gửi các hộ gia đình, đề nghị phối hợp vận động nhưng họ không nghe thì đành chịu” - ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành - chia sẻ. Còn ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An - nói: “Chúng tôi đã làm rất quyết liệt để tuyên truyền, vận động các lao động về nước đúng hạn. Công tác tuyên truyền đã đến tận các gia đình có con em lao động tại Hàn Quốc”.

Ông Lê Văn Thúy - Trưởng phòng Lao động việc làm Sở LĐTBXH Nghệ An - cho biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 7.000 lao động tại Hàn Quốc, đứng đầu cả nước. Trước đây, Nghệ An có 15 huyện thị có nguy cơ bị xem xét tạm dừng tiếp nhận lao động theo chương trình EPS, nhưng vừa qua có 11 huyện thị bị dừng, đứng đầu cả nước. Theo ông Lê Văn Thúy đây cũng là điều có thể hiểu được, vì địa phương nào có nhiều lao động ở Hàn Quốc thì số lượng người bỏ trốn cũng sẽ tăng lên. Tại Nghệ An, vừa qua, có một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động hết hạn bỏ trốn gửi về địa phương, tuy nhiên, khâu cưỡng chế thực hiện gặp nhiều khó khăn. Thực tế chưa hộ gia đình nào bị xử phạt vì có con em hết hạn lao động không trở về đúng hạn.

Ông Lê Văn Thúy cho biết, do mức lương tại Hàn Quốc hấp dẫn; trong khi về nước cơ hội việc làm khó khăn, thu nhập thấp. Ngoài ra, khâu quản lý ở Hàn Quốc cũng còn lỏng lẻo so với Nhật Bản - lao động hết hạn phải về nước ngay, không thể trốn ra ngoài; mỗi lao động được cấp thêm 600USD. Còn tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng có tiến hành một số đợt kiểm tra, truy quét không liên tục. Một cán bộ Sở LĐTBXH Nghệ An chia sẻ: “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn muốn sử dụng lao động đã hết hạn hợp đồng. Bởi vì họ không phải trả thêm chi phí môi giới, có lao động thạo việc, thạo tiếng. Trong khi nếu tiếp nhận lao động mới họ phải mất thêm chi phí môi giới, đào tạo, năng suất lao động thấp hơn lao động thạo việc.

Tác giả bài viết: TRẦN QUANG ĐẠI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP