Sau rà soát, sắp xếp, chỉ có 7.904 địa chỉ được xác định sẽ tiếp tục bố trí cho các cơ quan, đơn vị quản lý sử dụng; khối cơ quan, đơn vị của Thành phố được giữ lại 6.597 địa chỉ; các cơ quan Trung ương chỉ còn 1.307 địa chỉ, số còn lại đều phải thu hồi, bán đấu giá.
Thời điểm này, Thành phố đã phối hợp với các bộ ngành xây dựng phương án thu hồi với 320 công sản, tổng diện tích đất hơn 1 triệu m2, gồm 123 địa chỉ công sản của khối cơ quan đơn vị Trung ương và 197 địa chỉ do cơ quan đơn vị thuộc Thành phố quản lý.
Ông Ngô Quang Vinh thừa nhận, việc thu hồi công sản do các cơ quan đang quản lý trên địa bàn là hết sức khó khăn. Điển hình cho tình trạng khó khăn trong thu hồi đất được ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4 nêu ra trong buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý nhà, đất công vào ngày 22-5 như sau: Khu đất số 232 Nguyễn Tất Thành có diện tích khoảng 800m2 được Thành phố cho Công ty CP Xây lắp III, thuộc Petrolimex - Bộ Công Thương thuê. Hợp đồng thuê đã hết hạn từ năm 2015, song doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục sử dụng.
Cơ sở cây cảnh án ngữ gần hết mặt tiền trụ sở của Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ. |
UBND quận 4 đã 2 lần gửi công văn cho Bộ Công Thương để thu hồi khu đất này, đồng thời UBND thành phố cũng đã vào cuộc, đề nghị Bộ Công Thương sớm chỉ đạo DN bàn giao mặt bằng cho địa phương để xây dựng trường học theo quy hoạch, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được Bộ Công Thương phản hồi. Trước tình trạng trên, quận 4 đã phải kiến nghị Thành phố cho phép thực hiện cưỡng chế để thu hồi đất đối với địa chỉ đất công này.
Không chỉ là tình trạng thuê rồi chây ì trên, với nhiều cơ quan, đơn vị, tình trạng sử dụng công sản sai mục đích rồi cắt xén cả trụ sở làm việc để cho thuê cũng xảy ra không ít. Cụ thể, Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ - một cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT dù đã được bố trí hơn 62,8 ngàn m2 đất ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương để làm nơi nghiên cứu giống gà, heo và văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm, trung tâm chăn nuôi… và trong phần diện tích đất này đã có đến 20,8 ngàn m2 đất để đơn vị sử dụng vào việc kinh doanh, dịch vụ.
Tuy vậy, phân viện này còn được bố trí thêm trụ sở tại số 12 Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP Hồ Chí Minh với tổng diện tích đất công tại đây khoảng 2,2 ngàn m2 kèm theo tài sản trên đất là căn biệt thự cũ. Theo kiểm tra của cơ quan Công an, trong sân trụ sở công sản này thường xuyên có khoảng 40 xe ôtô cá nhân thuê chỗ đậu xe qua đêm.
Đã vậy phía trước còn được phân viện cắt ra cho cơ sở Hoàng Trọng thuê mặt bằng để bán cây cảnh; phía sau được bố trí cho đơn vị khác trong ngành nông nghiệp sử dụng mặc cho cơ sở hạ tầng và công tác PCCC ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn.
Được bố trí quản lý, sử dụng đất “vàng” ngay trung tâm thành phố phải kể đến Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam ở địa chỉ số 121 Nguyễn Binh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1. Công sản này gồm một tòa nhà cao 8 tầng cùng một dãy nhà văn phòng 2 tầng và khuôn viên rộng rãi. Không sử dụng hết diện tích đất được bố trí, nên viện này đã sử dụng một phần đất khuôn viên ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ cho 3 cửa hàng thuê bán hàng thực phẩm, rau quả; cho 4 ngân hàng thuê địa điểm đặt 4 trụ ATM và cho 2 công ty thuê mặt bằng làm văn phòng làm việc.
Thậm chí, viện này còn tận dụng cả phần không gian để cho thuê đặt 2 bảng quảng cáo ngoài trời và cho thuê phần sân thượng để dựng trạm thu phát sóng điện thoại. Ngoài khu đất “vàng” trên, viện này còn có 5 trung tâm trực thuộc, gồm: Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc tại xã Hưng Thịnh, huyện Tràng Bom, Đồng Nai với diện tích đất được giao quản lý lên tới trên 759 ngàn m2; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười tại xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng, Long An được giao quản lý 66ha đất và cơ sở 2 của trung tâm này tại xã Tân Lập, Mộc Hóa, Long An được giao quản lý hơn 22ha; Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật nông nghiệp được giao quản lý 44 ngàn m2 đất; Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa tại phường 12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng quản lý 68 ngàn m2; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây Điều tại xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, Bình Dương quản lý 296 ngàn m2 đất. Tuy nhiên, theo đánh giá sau kết quả kiểm tra, công tác quản lý đất đai tại một số trung tâm của viện này chưa tốt, để nhiều hộ dân ở địa phương lấn chiếm, tranh chấp đất trong thời gian dài.
Ông Ngô Quang Vinh cho rằng, theo quy định hiện nay, nhà, đất công đã được giao cho các cơ quan, đơn vị sử dụng do Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. Vì vậy, khi phát hiện nhà, đất công thuộc khối này bị sử dụng sai mục đích, các quận, huyện cũng chỉ có thể phản ánh với UBND Thành phố hoặc các sở, ngành chức năng để cấp này kiến nghị lên Cục Quản lý công sản.
Có thu hồi được hay không cũng đều phải phục thuộc vào Cục Quản lý công sản. Trong khi cơ chế chia lại với Thành phố trước đây là 7/3, hiện nay là 5/5 tổng giá trị công sản khi được đem bán thanh lý, nên cơ quan, đơn vị thuộc khối Trung ương tìm đủ cách để không bị thu hồi trắng công sản, mà thường câu kéo đến khi công sản bị thu hồi được đem ra bán đấu giá để hưởng lợi.
Đây chính là nguyên nhân khiến việc thu hồi nhà, đất công dôi dư do các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngoài gỡ vướng trong vấn đề này, theo một đại biểu HĐND thành phố, trước mắt để ngăn chặn tình trạng lãng phí, sử dụng sai mục đích đối với công sản, cần đặt trách nhiệm với các Bộ, ngành chủ quản và xây dựng ngay phần mềm để quản lý, giám sát công sản.
Tác giả: Bảo Sơn
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân