Thẻ ATM do các ngân hàng (NH) cung cấp bao gồm dạng thông thường, tín dụng Visa, MasterCard… có thời hạn hoặc không có thời hạn sử dụng. Nếu chủ thẻ không kích hoạt hoặc ngừng giao dịch thì được xem là thẻ rác. Nếu trong 50 triệu thẻ rác, khoảng 70% không kích hoạt hoặc không giao dịch thì xã hội lãng phí khoảng 1.000 tỉ đồng.
Phát hành tràn lan
Anh Lê Minh Thy (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết cuối năm 2017, sau cuộc điện thoại mời chào thẻ tín dụng quốc tế, anh đã lỡ lời đồng ý cho nhân viên một NH có hội sở ở Hà Nội đến nhà làm thủ tục mở thẻ miễn phí. Theo đó, nhân viên này điền thông tin cá nhân, thu nhập của anh vào mẫu hồ sơ in sẵn rồi xác minh CMND, hộ khẩu… là xong.
"Thế nhưng, trong 6 tháng tiếp theo, tôi không kích hoạt thẻ tín dụng mới. Lúc đó, nhân viên gọi điện hối thúc kích hoạt thẻ và thông báo không thu phí thường niên. Tuy nhiên, do không có nhu cầu sử dụng thêm thẻ tín dụng và bị nhân viên NH liên tục gây áp lực kích hoạt thẻ nên tôi hủy bỏ thẻ này" - anh Thy kể lại.
Các ngân hàng đã phát hành khoảng 132 triệu thẻ ATM, trong đó có đến 50 triệu thẻ rác Ảnh: TẤN THẠNH |
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về thẻ cho rằng nhân viên của NH thường tìm mọi cách phát hành thẻ để hoàn thành chỉ tiêu được giao nhưng không quan tâm khách hàng có nhu cầu sử dụng hay không. Còn người tiêu dùng thì chưa có nhu cầu nhưng lại muốn mở thẻ "để đó". Tình trạng này xảy ra khá nhiều. Không ít người sở hữu cùng lúc đến 5-7 thẻ ATM. Như vậy, xã hội sẽ lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn.
Số liệu của Hội Thẻ Việt Nam cho thấy đến nay, các NH đã phát hành khoảng 132 triệu thẻ ATM , trong đó 50 triệu thẻ rác, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều NH tranh đua phát hành thẻ. Trong khi đó, một chuyên viên của Trung tâm Thẻ NH Xuất nhập khẩu Việt Nam cho hay chi phí tối thiểu khoảng 30.000 đồng/thẻ.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Makerting, đánh giá hệ thống NH tồn tại quá nhiều thẻ rác làm hao hụt nguồn lực xã hội. Theo ông Thuận, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là khi tiếp cận doanh nghiệp (DN), đặc biệt khi DN thay đổi lãnh đạo cấp cao, các NH thường đưa ra lãi suất vay hết sức cạnh tranh. NH đưa ra lãi suất vay vốn thấp kèm theo điều kiện DN phải chi trả lương qua NH này. Từ đó, DN chuyển việc trả lương qua thẻ đến NH có lãi suất cho vay thấp dẫn đến một người lao động có đến 2-3 thẻ ATM nhưng chỉ sử dụng một thẻ, gây lãng phí.
Đề cập vấn đề này, giám đốc trung tâm thẻ của một NH lớn thừa nhận tình trạng cá nhân sở hữu nhiều thẻ nhưng chỉ giao dịch một thẻ là hết sức lãng phí. Bởi lẽ, khi khách hàng ngừng sử dụng một loại thẻ, NH vẫn phải theo dõi thông tin của thẻ đó, làm tiêu tốn chi phí quản lý, hao hụt dung lượng tài nguyên công nghệ.
Nhiều năm qua, để thu hút khách hàng mở thẻ, hầu hết NH đưa ra chính sách miễn phí thường niên và phí mở thẻ, không kiểm tra xác minh thu nhập của chủ thẻ… rồi giao cho các chi nhánh, phòng giao dịch, nhân viên chỉ tiêu phát hành thẻ. Từ đó nhân viên NH chỉ cần tìm kiếm khách hàng có đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ thường trú, tạm trú rõ ràng… là phát hành thẻ. Một số NH còn cử người đến các trường ĐH, siêu thị, hội chợ triển lãm… để phát hành thẻ nhưng sau đó khách hàng lại không đến nhận dẫn đến tồn kho thẻ.
Kẻ xấu lợi dụng
Lãnh đạo NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng một số NH đưa ra điều kiện mở thẻ quá dễ dãi làm cho nhiều người háo hức tham gia. Tuy vậy, sau khi mở thẻ, họ lại không có nhu cầu giao dịch khiến thẻ bị "đóng băng". Thực tế, các NH phát hành thẻ rất nhiều nhưng số lượng thẻ hoạt động lại rất thấp.
Mặt khác, do điều kiện dễ dãi, một số kẻ xấu lợi dụng để thuê người khác mở thẻ Visa Debit (thẻ tín dụng quốc tế nhưng tiền trong thẻ là của chủ thẻ) rồi trả công cho họ 200.000 - 400.000 đồng/thẻ. Sau đó, kẻ xấu sử dụng tài khoản thẻ Visa Debit để lừa đảo. "Chiêu thức phổ biến là gửi tin nhắn hoặc điện thoại đến một số người thông báo họ đã tham gia, liên quan đến các tổ chức tội phạm và sẽ cung cấp thông tin này cho cơ quan công an. Tiếp theo, chúng chỉ định người đó chuyển tiền vào tài khoản của "cơ quan công an" để làm tin và nếu vô tội, "cơ quan công an" sẽ trả lại tiền. Từ đó, nhiều người cả tin vội vã chuyển tiền vào tài khoản "cơ quan công an" (thực chất là tài khoản thẻ Visa Debit mà kẻ xấu đã thuê từ người khác mở). Như vậy, kẻ xấu hoàn tất vụ lừa đảo rồi hủy bỏ thẻ" - vị lãnh đạo Vietcombank phân tích.
Siết chặt quy trình mở thẻ Theo Hội Thẻ Việt Nam, để hạn chế phát sinh thẻ rác, các NH cần quy định chỉ tiêu cho nhân viên dựa trên số lượng thẻ có hoạt động thực sự, có phát sinh giao dịch thay vì số lượng thẻ được phát hành. Ngoài ra, các NH cần tìm hiểu nhu cầu của khách hàng và trong một thời gian nhất định, thực hiện thu phí quản lý tài khoản nhằm tránh tình huống mở thẻ nhưng không kích hoạt, không giao dịch. Mới đây, NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH thương mại rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị phát hành và sử dụng thẻ, tăng cường biện pháp kiểm tra, nhận biết, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng để phát hiện, xử lý các trường hợp mạo danh, sử dụng giấy tờ giả để đề nghị NH phát hành thẻ, đặc biệt đối với trường hợp khách hàng đăng ký phát hành nhiều thẻ. |
Tác giả: Thy Thơ
Nguồn tin: Báo Người lao động