Kinh tế

Làng bánh cốm Đông Thuận vào mùa

Khi tiết trời se lạnh cũng là lúc làng nghề bánh cốm Đông Thuận (xã Nghi Trung, Nghi Lộc) bước vào mùa sản xuất. Từ những nguyên liệu sẵn có và dân dã, những người dân làng nghề đã tạo ra được sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến. Đó là món bánh cốm mang đậm phong vị quê hương.

Nức thơm hương vị bánh cốm.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu thu, ngay từ cổng làng, chúng tôi đã cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của làng nghề. Đó là mùi mật mía ngọt ngào hòa lẫn hương thơm của gừng và cốm, tất cả hòa quyện lại tạo thành mùi hương đặc trưng như níu chân khách hàng khi đến với làng nghề.

1images1325914 10
Từ đầu làng đã nức thơm mùi bánh cốm...

Anh Lê Văn Tài, xóm 21 - xã Nghi Trung, một trong những hộ có thâm niên 15 năm làm nghề cho biết: Nghề làm bánh cốm được sản xuất rải đều trong năm. Tuy nhiên, vụ chính bắt từ tháng 10 đến tháng 5 của năm sau. Bởi khi thời tiết se lạnh, nhu cầu người dân dùng bánh cốm nhiều hơn. Do đó, từ khi thời tiết chuyển mùa, gia đình anh làm không kịp để nhập cho khách hàng.
2images1325917 1
Ông Lê Tiến Năng vừa đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua máy sản xuất bỏng cốm.


Anh Tài nói: Trung bình mỗi ngày gia đình anh sản xuất từ 1 đến 1,5 tạ gạo, tính ra được hơn 1 vạn tấm bánh cốm để cung cấp ra thị trường. Với giá 1.200 đồng/tấm. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, nhân công mỗi ngày anh thu về hơn 700 ngàn. Do nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều nên gia đinh anh phải thuê thêm 2-3 nhân công. Để cung cấp cho khách hàng ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Trị, gia đình anh cũng đã đầu tư mua xe bán tải để giao hàng kịp thời.

Công phu nghề làm bánh.

Nghề làm bánh cốm mới nhìn vào tưởng chừng đơn giản, nhưng để làm được những miếng bánh vừa ngon, vừa đẹp mắt, đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, người dân làng nghề đã phải tốn khá nhiều công sức từ khâu chuẩn bị nguyên liệụ; chọn gạo nếp, chọn mật mía; làm cốm,… Trừ khâu làm cốm ra thì tất cả đều được làm thủ công.

3images1325918 4
Nấu mật...

Để làm ra được một tấm bánh cốm, người làm nghề phải trải qua 5 công đoạn: Thứ nhất là đập gạo thành bỏng cốm; Thứ hai nấu mật (trong quá trình nấu mật cần cho thêm gừng vào để tạo mùi thơm kích thích khẩu vị); Thứ ba, sau khi mật chín thì đổ bỏng cốm vào đảo đề làm sao cho mật quyện đều vào cốm (Đây là công đoạn khó nhất, bởi nếu nấu quá lửa thì bánh cốm sẽ cháy, do đó ở công đoạn này đòi hỏi người làm nghề phải thao tác nhanh và khéo); Thứ tư, khi mẻ cốm hoàn thành mình đổ vào khuôn; Khâu cuổi cùng là cắt thành tấm và đóng gói.
4images1325919 5
Đổ cốm vào mật
5images1325919 5
Đổ bánh vào khuôn

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của làng nghề không chỉ bó hẹp trong huyện mà đã được mở rộng ra các địa phương khác như TP Vinh, TX Cửa Lò, các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Nghề phụ - thu nhập chính.

Lợi thế của nghề này là người dân có thể tranh thủ được thời gian nhàn rỗi và tận dụng được nguồn lao động nông nhàn. Xuất phát là nghề phụ, nhưng đến nay, với nhiều hộ gia đình nghề này đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính. Chị Hoàng Thị Nga - xóm 20 là người chuyên thu mua bánh cốm mang đi nhập tại Thành phố Vinh cho biết: Hiện nay, bánh cốm ở làng nghề Đông Thuận - xã Nghi Trung được thị trường rất ưa chuộng, bởi chất lượng cốm vừa ngon, thơm. Do đó, cứ vào sáng sớm, tôi đến làng nghề lấy 20 bao, có ngày 30 bao đi nhập cho các đại lý ở Vinh. Sau khi trừ chi phí mỗi ngày tôi còn lãi ròng từ 200-220 ngàn đồng.

6images1325921 11
Bánh cốm khi thành phẩm

Nét mới của làng nghề, do nhu cầu thị trường có tính cạnh tranh ngày càng cao, nên năm nay làng nghề bánh cốm Đông Thuận đã đa dạng các sản phẩm, với mẫu mã đẹp, đặc biệt một số hộ đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để làm bỏng cốm. Ông Lê Tiến Năng xóm 21 xã Nghi Trung cho biết: Để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng nên gia đình vừa đầu tư hơn 30 triệu đồng để sản xuất bỏng cốm. Mỗi ngày sản xuất được 5-7 tạ gạo. Sau khi trừ tiền điện và chi phí khác gia đình thu về 500 ngàn đồng.

Vốn là nghề truyền thống lâu đời, nhưng nhờ duy trì và phát triển tốt nên đến năm 2012, làng bánh cốm Đông Thuận đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề và cũng nhờ nghề này mà đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, toàn xóm có 58 hộ làm nghề, chiếm tỷ lệ trên 65% và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho trên 150 lao động, với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/ người/ tháng. Trung bình mỗi tháng làng nghề thu về 700-750 triệu đồng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Hải Dương- Phó chủ tịch UBND xã Nghi Trung cho biết thêm: Năm 2012, làng được UBND tỉnh công nhận làng nghề, cùng với cấp trên, xã cũng có nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ, giúp làng nghề phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung để hỗ trợ làng nghề về cơ sở vật chất, đặc biệt các thủ tục liên quan như giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... để thương hiệu làng nghề được nhiều người biết đến.

Tác giả bài viết: Thu Hiền - Ngọc Mai

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP