“Đường Nguyễn Tất Thành hiện nằm sát biển quá, không thể phát triển thêm dịch vụ nữa. Kéo theo những dãy nhà trên đường này không thể kinh doanh được, nộp thuế rất thấp. Vì vậy Ban Thường vụ Quận ủy thống nhất đề ra ý tưởng phải lấn biển để đẩy mạnh du lịch, dịch vụ”. Ngày 2-3, ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, giải thích về đề xuất lấn vịnh Đà Nẵng (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 2-3).
Lấn vịnh Đà Nẵng như thế nào?
“Lấn biển nhưng không phải theo hàng ngang mà lấp. Phải có những điểm nhấn và có khoảng cách chứ không phải lấp hết một loạt rồi xây dựng các công trình dịch vụ trên đó. Thực ra đây mới chỉ là ý tưởng, muốn thực hiện phải có hội thảo khoa học cấp TP. Kinh phí lớn lắm. Nhưng giờ không làm thì lâu dài cũng phải tính” - ông Tĩnh nói.
Ông Tĩnh cũng đặt giả thiết: Việc lấn biển sẽ thuận lợi do hằng năm nguồn phù sa từ hệ thống sông Vu Gia ra sông Hàn cũng đổ về bồi lấp thêm vịnh Đà Nẵng. Ông nghĩ vậy là vì “rác thải từ thượng nguồn hiện đều tấp hết vào bờ biển Nguyễn Tất Thành. Như vậy rõ ràng phù sa cũng lấp vào bờ” (?).
Theo ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, phương án di dời đường Nguyễn Tất Thành vào khoảng 700 m đến 1 km, tạo thành một con đường giống đường Trần Phú của Nha Trang được đánh giá là rất khó khăn, kinh phí lớn. Do vậy, ông Nam cũng đồng tình việc lấn biển “nhưng không thể lấn biển theo kiểu dàn hàng ngang mà phải tạo điểm nhấn, ví dụ làm theo mô hình nhà xương cá của Dubai”.
Bờ biển Nguyễn Tất Thành qua quận Thanh Khê dài 4 km được đề xuất đổ cát lấn ra vịnh Đà Nẵng tối đa 200 m. Ảnh: TẤN VIỆT |
Mất cân bằng sinh thái
Mang việc lấn vịnh Đà Nẵng trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Hoàng Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam, ông Huy nói ngay: “Không khả thi chút nào”. Bởi trước tiên việc lấn biển sẽ vi phạm quy hoạch vịnh Đà Nẵng đã được Thủ tướng phê duyệt. Thứ nữa, những việc làm thay đổi điều kiện tự nhiên của biển là rất hệ trọng, ảnh hưởng xấu tới toàn bộ cấu trúc biển của khu vực đó.
Ông Huy dẫn chứng trước đây khu vực vịnh Thanh Bình (đường Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) làm kè đến sáu lần nhưng đều bị biển xâm thực, phá hết. “Không thể suy đoán phù sa đổ về vịnh Đà Nẵng mà phải tổ chức nghiên cứu, khảo sát toàn bộ khu vực thật kỹ lưỡng. Phải có cơ quan chuyên môn về biển đánh giá lấn vịnh chỗ này có ổn định không. Có phát sinh ảnh hưởng tiêu cực ở những chỗ khác không... Như kho xăng dầu K83 (chân đèo Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu - PV) xây kè lấn biển, sau đó nước biển xâm thực ngược vào làng biển dưới chân đèo gây sạt lở” - KTS Hoàng Quang Huy nói.
Tương tự, KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP Đà Nẵng, hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, cũng cho rằng việc lấy cát lấn biển làm mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng và sẽ là “công dã tràng”.
Quận Thanh Khê có diện tích 950 ha, mật độ dân số đông nhất Đà Nẵng. Dư địa phát triển của quận không còn, do vậy quận cho rằng muốn phát triển thì phải lấn biển để tăng diện tích. Ông NGUYỄN VĂN TĨNH, |
“Vịnh Đà Nẵng có cửa biển bên Đông là Sơn Trà và bên Tây là Hải Vân. Trong vịnh có hai con sông đổ vào là sông Cu Đê và sông Hàn. Mùa mưa, nước sông chảy ra cũng mang một số phù sa xuống biển nhưng những năm gần đây người ta hút cát để san lấp mặt bằng nên giờ đáy vịnh không còn nhiều bùn đất nữa. Theo quy luật, sóng sẽ đánh mạnh lôi đất ở trong bờ ra để lấp lại lượng cát con người đã hút” - KTS Diệm phân tích.
Đồng tình, TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng khoa Môi trường và Công nghệ hóa, ĐH Duy Tân, cho rằng tự nhiên là một hệ cân bằng động. Chỗ này mất cân bằng thì thiên nhiên tự điều chỉnh để đạt sự cân bằng mới.
“Vịnh Đà Nẵng có ba mặt thì hai mặt là núi đá, kết cấu vĩnh cửu, sóng không phá được nên sóng sẽ phá vào bờ biển Nguyễn Tất Thành. Lấp đoạn này thì sóng phá đoạn khác, không chống được. Thứ nữa là khi lấn biển, xây nhiều công trình thì nhu cầu hút nước ngầm để xây dựng tăng lên. Lòng đất mất nước ngầm thì sẽ bị xâm nhập mặn, kéo theo sạt lở bờ biển trở lại như cũ giống những gì đang xảy ra với biển Mỹ Khê của Đà Nẵng” - TS Phương quả quyết.
Khánh Hòa lấy ý kiến về đề xuất lấn vịnh Nha Trang UBND tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục lấy ý kiến cho các phương án điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2000) khu vực phía Đông các đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng giáp biển TP Nha Trang, trong đó có phương án lấn biển. Khu vực này rộng 240 ha, kéo dài gần 20 km dọc đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng. Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu khu vực phía Đông các đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng vốn đã được phê duyệt từ tháng 10-2014. Tuy nhiên, đồ án này bị nhiều chuyên gia, người dân địa phương phản ứng, cho rằng tỉnh Khánh Hòa quy hoạch theo ý tưởng của nhà đầu tư là Tập đoàn Dewan (Ấn Độ) với việc cho xây dựng quá nhiều cao ốc, công trình ven biển sẽ bê tông hóa, làm mất tầm nhìn, cảnh quan tự nhiên của bãi biển Nha Trang. Sau đó đồ án này đã bị bãi bỏ. Tháng 4-2017, giới kiến trúc, người dân địa phương bất ngờ khi phương án lấn biển được UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến. Đề xuất này được cho là của một số chuyên gia Thụy Sĩ, do cán bộ của Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) trình bày. Theo đề xuất, nhiều khu vực ven danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang sẽ lấn ra để mở rộng dải bờ biển, tạo không gian mới để xây dựng thêm nhiều công viên, bãi tắm, các khu đô thị, dịch vụ… Đề xuất trên được một số lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ủng hộ nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều chuyên gia, người dân. Các chuyên gia lo ngại việc lấn biển sẽ làm mất cảnh quan thiên nhiên, hình dáng vốn có của vịnh Nha Trang. Trước đó, tháng 10-2016, cán bộ của Viện Quy hoạch đô thị-nông thôn quốc gia cũng thuyết trình với tỉnh Khánh Hòa về ý tưởng quy hoạch dải bờ biển Nha Trang (tỉ lệ 1/2.000) của một chuyên gia người Pháp, trong đó nhấn mạnh nhiều đến việc mở rộng bãi biển. Tuy nhiên, ý tưởng này cũng bị nhiều chuyên gia phản ứng. TẤN LỘC |
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM