Các băng nhóm lộng hành
Theo nguồn tin của PV, các đầu nậu có tiếng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Mười T., N. “đen” hay T.T. vẫn đang điều khiển các đàn em tìm cách nhập và hô biến đường lậu thành đường nội địa để tiêu thụ. Sự lộng hành của các băng nhóm này càng làm cho tình hình buôn lậu đường trở nên phức tạp hơn.
Chiêu thức khá mới các đối tượng đưa ra là sử dụng bộ hóa đơn, chứng từ bán đấu giá đường buôn lậu hay đường của các doanh nghiệp trong nước để hợp thức hóa đường nhập lậu. Đặc biệt, bộ hóa đơn, chứng từ bán đấu giá đường nhập lậu được đơn vị đấu giá thành công quay vòng rất nhiều lần... để buôn lậu đường. Theo nguồn tin của PV, một số doanh nghiệp ở các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... thường sử dụng “chiêu” này.
Ví như tại Đồng Tháp, đường lậu được các đầu nậu thuê cư dân sống dọc đường biên giới vận chuyển về khu vực thị xã Hồng Ngự. Tại đây, đường sẽ được “hô biến” bằng cách thay đổi bao bì, nhãn mác. Để qua mắt cơ quan chức năng, các đầu nậu thường tập kết hoặc vận chuyển đúng số lượng với các thông tin trong bộ hồ sơ đã có.
Trong năm 2016, An Giang bắt giữ gần 950 tấn đường nhập lậu. |
Đây là hồ sơ mà họ đã trúng thầu trong việc đấu giá mua đường phát mại tang vật. Sở dĩ có tình trạng này là bởi, sau khi đường bị cơ quan chức năng bắt giữ sẽ tiến hành xác định giá trị tang vật và tiến hành bán đấu giá. Để có bộ hồ sơ này hay còn gọi cách khác là bộ lá bùa hộ mệnh, các đơn vị đã đấu với giá trên trời, miễn sao để trúng thầu. Có được bộ lá bùa này, họ bắt đầu quay vòng với rất nhiều lô hàng đường nhập lậu.
Tương tự, theo một cán bộ hải quan tỉnh Kiên Giang: “Các cơ sở buôn lậu đường đang sử dụng chứng từ hóa đơn của các công ty đường trong nước để hợp thức hóa đường nhập lậu. Họ thuê người bản địa xé lẻ hàng rồi vận chuyển về các kho ở Hà Tiên. Về tới kho, đường được đóng vào các loại bao bì rồi gắn nhãn mác đường trong nước nhằm hợp thức hóa”.
“Nếu bị phát hiện, kiểm tra thì họ đưa giấy tờ, hóa đơn của các công ty đường trong nước để đối phó”, cán bộ này nói thêm. Trước tình trạng đó, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã đề xuất quản lý bằng việc yêu cầu doanh nghiệp phải trình báo hóa đơn khi xuất – nhập đường ra – vào kho. Thế nhưng cơ quan thuế lại cho rằng, yêu cầu này là trái quy định, vì họ đã có hóa đơn nhập hàng. Và đây cũng chính là kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng.
Hay tại An Giang, nơi có đường biên dài 100km với nhiều lối mở, chỉ cần cơ quan chức năng sơ hở là các loại hàng lậu lập tức được đẩy vào nội địa tiêu thụ. Tại khu vực biên giới phía nước bạn Campuchia, hiện đang có nhiều kho hàng, chủ yếu là đường, thuốc lá và rượu ngoại... chờ thời cơ tuồn về Việt Nam.
Trên thực tế, không ít cơ sở, công ty đăng ký sản xuất, chế biến đường ở An Giang nhưng thực chất đó chỉ là “vỏ bọc” để “hô biến” đường lậu. Chiêu thức của các công ty này là nhập đường lậu về, sau đó thay đổi quy cách, thay nhãn mác, bao bì hoặc cho vào các túi nhỏ, gắn lên đó chính thương hiệu của công ty này và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Biến thành đường phèn
Bên cạnh việc đấu giá để có bộ lá bùa hộ mệnh, nhiều cơ sở còn chế biến đường cát trắng thành đường phèn nhằm biến đường nhập lậu thành đường hợp pháp. Theo ghi nhận của PV, khu vực biên giới Campuchia (đoạn đối diện cửa khẩu Vĩnh Xương, An Giang) có đến 4, 5 cơ sở chế biến đường phèn. Để đột nhập vào đây còn khó hơn... lên trời? Các cơ sở này thu mua đường Thái Lan giá rẻ, chế biến thành đường phèn và có cơ hội là tấp vào nội địa Việt Nam tiêu thụ.
Đường phèn trên thị trường có giá cao hơn đường cát, cộng thêm 1kg đường cát sẽ chế biến được 1,2kg đường phèn nên lợi nhuận càng nhiều, do đó hình thức này đang được các đối tượng buôn lậu lựa chọn. Để các đơn hàng lậu được vận chuyển trót lọt, đường dây vận chuyển, buôn bán đường lậu luôn có người canh gác.
Điển hình, tại khu vực cửa khẩu hải quan Vĩnh Xương, PV quan sát luôn có dăm ba đối tượng làm nhiệm vụ túc trực, canh đường. Hễ có động tĩnh nào là lập tức được thông báo và các hoạt động sẽ “án binh bất động”. Do đó, việc kiểm soát buôn lậu đường càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Đa phần, đường sau khi thẩm lậu vào nội địa từ các tỉnh giáp biên giới với Campuchia sẽ được vận chuyển về khu vực TP.HCM để tiêu thụ. PV chứng kiến chiếc xe tải BKS 67C-04017 xuất phát từ khu vực biên giới đi sâu vào nội địa tỉnh An Giang với tốc độ cao. Có dấu hiệu nghi vấn, cơ quan chức năng đuổi theo, nhưng phải đến thị xã Tân Châu, tài xế mới chịu dừng xe.
Tài xế Huỳnh Văn Tây thừa nhận vận chuyển 3,5 tấn đường nhập lậu cho người tên Hoàng ở Hóc Môn, TP.HCM nhưng lại khai báo không rõ địa chỉ cụ thể. Thực tế, các đầu nậu cũng tập kết hàng về khu vực TP.HCM để tìm cách tiêu thụ. Điển hình, cơ sở kinh doanh Thành Phát (địa chỉ 55A, đường Kinh C, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM) đã lưu kho hơn 70 tấn đường nhập lậu từ Thái Lan và Campuchia.
Chiêu thức hoạt động của cơ sở này là sử dụng xe tải cỡ lớn, chất đầy đường, sau đó được ngụy trang bằng ve chai và rác thải phía trên. Khi vận chuyển, các xe này được che phủ bạt kín nên rất khó phát hiện. |
Chiêu thức hoạt động của cơ sở này là sử dụng xe tải cỡ lớn, chất đầy đường, sau đó được ngụy trang bằng ve chai và rác thải phía trên. Khi vận chuyển, các xe này được che phủ bạt kín nên rất khó phát hiện. Ngày 16/5, đội 2A, chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra kho hàng và phát hiện số đường nói trên nhưng không hề có bất cứ hóa đơn, chứng từ nào. Chủ lô hàng là Nguyễn Thị Ngọc Xiêm, 30 tuổi, quê Tiền Giang. Cơ quan chức năng nhận định, khả năng lô hàng này được nhập lậu về An Giang, sau đó “cập bến” TP.HCM.
Trong năm 2016, An Giang bắt giữ gần 950 tấn, Long An cũng khoảng 800 tấn, Tây Ninh 165 tấn... Trước thực trạng trên, UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Chính phủ không tổ chức bán đấu giá đối với mặt hàng đường nhập lậu. Thay vào đó chỉ định bán cho doanh nghiệp bán lẻ nội địa hoặc giao cho các nhà máy tái chế. Bởi nếu tình trạng này kéo dài sẽ là kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp thức hóa đường nhập lậu, làm khuynh đảo thị trường đường nội địa.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Một nguyên nhân quan trọng là các đối tượng tổ chức buôn lậu đã sử dụng người dân địa phương dọc tuyến biên giới để vận chuyển nên rất khó triệt phá. Do đó, bên cạnh việc triệt phá các băng nhóm, cá nhân tổ chức buôn lậu thì cũng phải có chính sách chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho người dân địa phương trong khu vực, để họ cùng với cơ quan chức năng tham gia trên mặt trận chống buôn lậu đường nói riêng và hàng hóa khác nói chung”.
Các đối tượng dùng mọi thủ đoạn tuồn hàng về TP.HCM tiêu thụ
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Đường từ Thái Lan, Campuchia nhập lậu về TP.HCM thông qua các tỉnh Tây Nam diễn biến hết sức phức tạp. Dù mức xử phạt đã tăng, thậm chí, nếu có dấu hiệu buôn lậu sẽ chuyển cho cơ quan điều tra, tuy nhiên, các đối tượng vẫn dùng mọi thủ đoạn tuồn hàng về khu vực TP.HCM tiêu thụ. Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng dùng xe tải lớn tập kết về các khu vực vùng ven TP, sau đó xé lẻ hàng, thay đổi bao bì, nhãn mác và đưa đi tiêu thụ. Thời gian qua, với việc tăng cường kiểm tra, nắm tình hình nên lực lượng chức năng đã ngăn chặn được nhiều vụ buôn lậu đường”.
Tác giả: Thanh Tùng
Nguồn tin: Báo Người đưa tin