Kỳ thi Toán học mở rộng (HOMC) 2018 do Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội phối hợp với Hội Toán học Hà Nội và các Sở, ngành, địa phương tổ chức. Kì thi diễn ra từ 26 - 30/3, với 498 thí sinh trong nước và quốc tế.
Vì kỳ thi có thí sinh nước ngoài nên Sở GD&ĐT Hà Nội phải trình phương án lên UBND TP Hà Nội, Bộ GD&ĐT cho phép mới tổ chức.
Thí sinh dự thi được chia thành 2 bảng. Bảng A (khối quốc tế) và Bảng B (khối trong nước). Đề thi và bài làm của học sinh được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Tại buổi họp báo chiều 23/3, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, bảng A có 87 thí sinh đến từ 10 quốc gia: Ba Lan, Ghana, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Hungary và Việt Nam. Trong đó, có 63 thí sinh quốc tế. Đại diện cho Việt Nam tại bảng A là các thí sinh đến từ 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội).
Thí sinh dự thi theo 2 lứa tuổi: Junior (14 tuổi, lớp 8), Senoir (16 tuổi, lớp 10). Mỗi thí sinh sẽ tham dự thi cá nhân và thi đồng đội, bài thi đồng đội các thí sinh vừa làm việc cá nhân vừa phối hợp tập thể.
Kỳ thi Toán học Hà Nội lần thứ 14 (năm 2017) |
Tại bảng A, do lần đầu tiên có sự tham dự của các thí sinh quốc tế nên việc chấm thi và phản biện được thực hiện công khai theo cách thức của các kỳ thi quốc tế. Bài thi sau khi được chấm xong sẽ photo gửi về cho các đoàn để phản biện nhằm đưa ra một kết quả chính xác, công bằng nhất. “Sức hút lớn nhất của kỳ thi này chính là sự minh bạch”, ông Quang khẳng định.
Bảng B có sự tham gia của 411 thí sinh đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ở bảng B chỉ có nội dung thi cá nhân. Tuy nhiên, năm nay đề thi cá nhân ở bảng A và B giống nhau để có thể so sánh trình độ của học sinh trong nước và học sinh quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hội đồng đề thi và ban giám khảo là những giáo sư, tiến sĩ, các nhà giáo hàng đầu, thành danh về toán học ở trong nước, đồng thời còn có sự tham gia của một giáo sư tiến sĩ toán học danh tiếng của Ba Lan tham gia giám sát toàn bộ quá trình ra đề.
Cụ thể, ông Quang cho biết, đề được làm hết sức nghiêm túc, bám sát chuẩn quốc tế. Điểm mới nổi bật trong năm nay là đề thi có phần thi đồng đội. Trong đó được chia 2 phần, phần 1 gồm 4 câu trắc nghiệm chọn phương án và 4 câu đọc điền kết quả. Mỗi đội có 4 thí sinh, ở phần này nhóm sẽ chia mỗi thí sinh 1 câu để làm bài trong thời gian 30 phút. Phần tự luận sẽ gồm 2 câu và thí sinh làm bài trong 30 phút. Cấu trúc đề thi bám sát các cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế.
Về cơ cấu giải thưởng, ông Quang cho biết, có 60% là giải cá nhân, trong đó 10% giải huy chương vàng, 20% huy chương bạc và 30% huy chương đồng. Ngoài ra, còn có giải nhất, nhì, ba cho các giải đồng đội.
Bên cạnh thi tranh tài toán học, các thí sinh quốc tế và Việt Nam sẽ tham gia giao lưu văn hoá, trình diễn các tiết mục đặc sắc mang phong cách, bản sắc riêng mỗi nước.
Kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng được tổ chức thường niên vào tháng 3, bắt đầu từ năm 2004. Nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi HOMC sau này đã tham gia và đoạt huy chương vàng, huy chương bạc… ở các cuộc thi Olympic Toán quốc tế và khu vực.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí