Cuộc sống

Lần đầu ăn tết quê vợ và cuộc chiến với rượu của chàng rể phố

Tôi vừa trở về nhà sau cái tết kinh hoàng đầu tiên của đời làm rể. Nói đúng hơn là tôi giống như một người vừa trở về từ cuộc chiến sau khi lê lết vì rượu với anh em họ hàng, chòm xóm bên nhà vợ. Và cho đến lúc này, khi đã yên vị an toàn trong ngôi nhà của mình tôi vẫn không lý giải được vì sao người ta lại phải uống rượu đến thế.

Hình minh họa: GettyImages

Hôm chuẩn bị về quê, vợ tôi đã chuẩn bị tinh thần trước cho tôi: “Ở quê em, đàn ông con trai uống rượu kinh lắm, anh không theo nổi đâu, tốt nhất anh cứ bảo đang đau dạ dày, uống thuốc nên phải kiêng rượu cho nó lành”. Lúc đó tôi bảo nàng “cả chai anh không uống được chứ dăm bảy chén thì uống tốt, huống hồ lần đầu ăn tết nhà vợ, rượu không dám uống thì mất mặt quá”. Tôi còn nhớ ánh mắt của vợ nhìn tôi lúc đó, kiểu như là “Gớm, để xem uống được mấy chén mà phét lác”.

Bữa cơm đầu tiên ở nhà vợ là bữa tất niên chiều ba mươi. Thanh niên không biết từ đâu đến đông đông là. Vừa ngồi xuống mâm, cậu em vợ đã xách ra một can rượu trắng 5 lít bảo là “rượu nếp mẹ nấu”, rồi lần lượt giới thiệu từng người với tôi: Đây là anh con bác bên bố, đây là con rể nhà dì, kia là con trai cả nhà cậu…còn đây là chú hàng xóm cạnh nhà. Tất cả ngồi vòng quanh giữa sân kín đầy hai cái chiếu hoa. Rồi cứ thế, lần lượt mỗi người mời tôi một chén gọi là “gặp mặt cuối năm chàng rể mới”. Chưa hết lượt tôi đã bắt đầu thấy chếnh choáng. Rượu ở quê không giống rượu tôi hay uống trong quán nhậu trên phố, rượu gì vừa nồng lại vừa cay, càng uống càng cảm thấy nóng như lửa đốt cháy cuống họng. Ấy thế nhưng không có lý do gì để dừng được, rượu rót ra lại cạn. Đến mức tôi còn chẳng biết mình say lúc nào nữa.

Gần trưa mồng một vợ đập tôi dậy cùng với lời càu nhàu: “Đã bảo không uống được thì thôi, mồm là của anh, anh không uống chẳng nhẽ người ta đè anh ra mà đổ. Giờ có dậy đi chúc tết anh em họ hàng không hay ngủ cho hết ngày mồng một nào”.

Giá mà ở nhà mình thì chắc còn lâu tôi mới dậy, nhưng đằng này vì đang ở nhà vợ nên cố lê lết ra khỏi giường. Cậu em vợ nhìn tôi cười: “Anh rể hôm qua chiến ác phết đấy. Thôi dậy cho cái gì vào bụng để chuẩn bị cho cuộc chiến mới”. Tôi vừa nghe xong, hoảng hết cả hồn nói “cậu đừng có dọa anh”.

Sự thật nghiệt ngã là thằng em vợ nó không dọa tôi. Bữa tất niên hôm qua mới chỉ là “khởi động”. Đến nhà ai, sau câu chúc tết là bắt đầu chai rượu đặt dưới gậm bàn gậm tủ được lôi ra. Như thể không có rượu thì không phải tết, không có rượu thì không thể thân thiết tình cảm, không có rượu thì không biết bắt đầu câu chuyện ra làm sao. Rồi sau đó nào là chén gặp mặt đầu năm, chén chúc sớm sinh quý tử, chén chúc sức khỏe lộc tài. Thôi thì đủ loại lý do, thậm chí có có bác còn hỏi “cháu cầm tinh con gì?” “Dạ, cháu tuổi Mèo ạ” “À, thế là cháu cùng tuổi với con trai chú, nào cụng một ly vì tuổi Mèo nào”. Đúng là không thiếu lý do gì được đưa ra.

Có đứa em thấy tôi có vẻ không trụ được bèn mách nước, uống rượu là phải chuẩn bị một cốc nước lọc bên cạnh, rượu xong là uống nước ngay thế thì mới lâu say. Thế nhưng với tửu lượng một chàng công chức văn phòng như tôi, xưa nay trong các cuộc nhậu vốn chỉ là “dũng sĩ diệt mồi” nay phải uống rượu như uống nước lã thế này thì không chiêu gì cầm cự nổi.

Mà quê vợ tôi cũng hay, uống rượu không chỉ cho vui mà còn là “nể”, là “tôn trọng”. Hễ ai mời mà từ chối thì y như rằng là “ chú không nể anh”, “anh coi thường thằng em này”, “rể mới mà không nhiệt tình”…Vậy nên để không mất lòng, thôi thì “cung kính không bằng tuân lệnh”. Cứ mỗi khi thấy không chịu nổi thì lại chạy vào nhà vệ sinh móc họng cho ra rồi lại bắt đầu cuộc chiến mới. Chiêu này xem ra có chút khả thi, tuy nhiên mỗi lần nôn xong y như người vừa trải qua một trận ốm.

Đến ngày mồng hai thì tôi đầu hàng thật sự, tôi không thể nhấc người ra khỏi giường. Mẹ vợ tôi nói tại tôi chỉ uống rượu mà không chịu ăn gì nên kiệt sức. Thực ra thì tôi có tranh thủ ăn đôi chút nhưng không thể đợi đến lúc tiêu hóa đã phải cho ra. Cậu em vợ thì động viên: “Em hồi mới tập tành uống rượu cũng vậy, hễ thấy rượu là khiếp. Nhưng uống nhiều rồi tửu lượng sẽ khá lên. Giờ thì cả làng này, ai muốn đọ sức với em, em chấp hết. Anh chưa quen thôi, cứ siêng siêng về quê, dăm bận là “lên đô” ngay”.

Tôi nằm trong chăn, nghe cậu em nói uống rượu dăm bận nữa sẽ “lên đô” mà rét run cả người. Cũng may vì ốm nên tôi được đặc cách, khách đến nhà không phải ra mời rượu, có ra thì cũng “ốm nên được tha”.

Hôm nay thì tôi đã an toàn trong ngôi nhà của mình rồi. Nghĩ là ba ngày tết ở quê vợ mà ám ảnh. Nói trộm vợ, giá mà tôi biết ở quê vợ tôi có tục dùng rượu để thể hiện, để đong đếm tình cảm như thế thì chắc tôi đã “chạy làng” tránh xa cô ấy rồi. Giờ thì vợ đã cưới, quê vợ thì vẫn phải về, có nghĩa là rượu vẫn phải uống. Vậy thì chỉ còn hai cách: Một là “né” về quê vợ mỗi dịp lễ tết, hai là tập uống rượu để “tăng đô”. Chẳng biết là nên chọn cách nào?

Tác giả: Hoàng Hải

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP