Tin địa phương

‘Lấn biển Đà Nẵng không chỉ để xây khu thương mại tự do’

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, ý tưởng lấn biển của Đà Nẵng không chỉ để xây khu thương mại tự do mà còn thực hiện các dự án khác, tạo ra động lực mới, tiềm năng mới cho thành phố.

Theo ông Nguyễn Hà Nam - Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho hay, chủ trương lấn biển để mở rộng không gian phát triển. Việc này đã được cụ thể hóa bằng các văn bản luật mới đây được ban hành gồm: Luật đất đai mới, Luật Xây dựng mới. Đối với việc lấn biển của Đà Nẵng, đến nay mới nằm ở những bước đầu mang tính chất nghiên cứu, đề xuất và ý tưởng.

“Hiện nay Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về những tác động, tính khả thi cũng như các giải pháp về mặt kỹ thuật”, ông Nam nói.

Vịnh Đà Nẵng - ví trí đề xuất lấn biển làm khu thương mại tự do.


Theo ông Nam, trong ý tưởng lấn biển của Đà Nẵng không chỉ là lấn biển để làm khu thương mại tự do thuần túy, mà còn để phát kinh tế, tạo ra động lực mới và tiềm năng mới cho Đà Nẵng. Việc thực hiện khu thương mại tự do chỉ là một phần, bên cạnh đó còn để thực hiện các dự án về du lịch chất lượng cao, xây dựng trung tâm phát triển thương mại, văn hóa chất lượng cao, trung tâm tài chính quốc tế...

Do vậy, việc lấn biển có cần thiết hay không còn phải có những bước nghiên cứu. Và Sở Xây dựng là đơn vị được giao nhiệm vụ lập đề án đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Được biết, Đà Nẵng đang nghiên cứu đề án lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng để hình thành một đô thị mới với nhiều chức năng như: khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, mở rộng không gian phát triển đô thị và kinh tế gắn với các loại hình dịch vụ như du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm đẳng cấp, vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao.

Mục tiêu của khu vực lấn biển là tạo ra một công viên biển đô thị, góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố.

Trước đó, chia sẻ với VietnamFinance, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, Đà Nẵng phải đặt ra mục tiêu lấn biển khi không gian phát triển đất liền của Đà Nẵng đang bị thu hẹp lại và còn bị chia nhỏ. Câu chuyện lấn biển không chỉ giúp Đà Nẵng mở rộng mặt bằng phát triển mà còn có mặt bằng tập trung đủ sức để làm những dự án đủ lớn, đủ tầm để xoay chuyển tình thế. Cho nên về nguyên tắc, đặt ra vấn đề lấn biển là logic tự nhiên.

Việc lấn biển phải đặt trong câu chuyện muốn phát triển phải thay đổi hiện trạng và phải đánh đổi. Không thể không xâm phạm cái gì mà phát triển được, phải chấp nhận đánh đổi theo nghĩa hiện trạng cái cũ không còn và thay vào đó là cái mới. Vấn đề đặt ra là với cái mới, lợi ích phát triển có cao hơn, lớn hơn, xứng đáng hơn so với sự đánh đổi về mặt lịch sử, hiện trạng không? Đà Nẵng đang như vậy, có một cơ hội rất lớn.

“Ở đây, phải tính chuyện đánh đổi, việc lấn biển sẽ mất mát như thế nào, thiệt hại ra sao, chi phí tốn kém và lợi ích phát triển ở đâu. Lợi ở đây là lợi cho Đà Nẵng, cho người dân Đà Nẵng và cũng là lợi cho cả quốc gia chứ đừng nghĩ câu chuyện tính toán cục bộ, địa phương”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.

Theo đề án, khu thương mại tự do Đà Nẵng có quy mô diện tích đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng hơn 2.317ha (bao gồm vị trí lấn biển khoảng 300ha), được bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được chia làm 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1, đến năm 2029 sẽ xây dựng mới khu bến Liên Chiểu và các khu hậu cần cảng đảm bảo tiếp nhận tàu 100.000 tấn hoặc lớn hơn.

Đối với giai đoạn 2, triển khai sau năm 2029, định hướng mở rộng khu thương mại tự do tại các khu vực cảng Tiên Sa (sau khi chuyển đổi công năng), khu vực tái thiết đô thị tại nhà ga đường sắt trong trung tâm thành phố...

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP