Không cẩn thận lại nhầm hàng giả
Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại nước giải khát có hình dáng và mẫu mã giống với các hãng nước có tiếng như Pepsi ,Cocacola,…những sản phẩm làm nhái được bán tràn lan trên thị trường. Chỉ có người tinh ý mới nhận biết được đâu là hàng giả.
Với mẫu chai hoàn toàn giống với STING người sản xuất hàng nhái thay bằng STINGP, STINHP,… thì người không chú ý khó có thể nhận biết. Những sản phẩm này được bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá hàng STING thật.
Đáng chú ý là những cơ sở sản xuất hàng nhái này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng chai không được khử trùng, nguyên liệu của một số cơ sở làm từ hương liệu, nước giếng khoan và đường. Một số cơ sở khác còn dùng cả hóa chất để sản xuất. Việc sản xuất không đảm bảo vệ sinh như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Với mẫu chai hoàn toàn giống với STING người sản xuất hàng nhái thay bằng STINGP, STINHP,...Ảnh: Internet |
Vì hàng nhái được bán với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật nên nhiều cửa hàng tạp hóa lấy về để bán cho người tiêu dùng. Nhiều người bán cho khách đi đường thì không bị phản hồi từ người mua. Một số cửa hàng bán quen trong xóm họ uống lâu dần thì thấy chất lượng khác đi thì có phản hồi lại là sản phẩm có vị đắng nên họ không dùng nữa.
Chị Võ Thị T (một chủ cửa hàng tạp hóa) cho biết, “thời gian trước tôi có lấy loại nước tăng lực để bán, đại lý giới thiệu với tôi là loại sản phẩm mới, với giá rẻ hơn. Nhìn qua tôi cứ tưởng là cùng hãng với loại tăng lực mình hay bán nên lấy về bán thử. Một thời gian sau nhiều người nói loại nước này có vị uống rất kỳ, uống vào ban đầu có vị ngọt nhưng sau đó lại có vị đắng. Từ đó tôi không dám mua sản phẩm lạ và rẻ bất thường nữa.
Cơ quan chức năng bắt hàng "dỏm". Ảnh: Internet |
Quy định xử lý người sản xuất và buôn bán nước giải khát “dỏm”
Theo luật sư Đặng Thành Trí, tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP, đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu thì tùy theo giá trị hàng hóa xâm phạm sẽ có mức phạt từ 500.000 đồng đến tối đa 250.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn có các hình thức phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục như: Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm; Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm…
Bên cạnh đó, người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp các đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam (cụ thể ở đây là nhãn hiệu hàng hoá) gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức, phạm tội nhiều lần hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về “tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Điều 171 BLHS hiện hành.
Tác giả: CHÂU NGUYỂN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM