Kinh tế

Làm ăn sa sút, sếp Vinacomin thu nhập hơn nửa tỷ đồng

Mặc dù lợi nhuận liên tục sụt giảm nhưng năm 2015, trung bình mỗi sếp ở Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vẫn nhận về hơn nửa tỷ đồng.

Theo báo cáo xác định quỹ tiền lương thực hiện công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trong năm 2015, Vinacomin chi 6.646 tỷ đồng trả lương cho 56.001 lao động. Cộng với quỹ tiền thưởng 368 triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi lao động của đơn vị này đạt hơn 10 triệu đồng/ tháng.

Trong khi đó, với số người quản lý doanh nghiệp là 16, mức lương cơ bản bình quân mà viên chức quản lý tại Vinacomin nhận được là 32,3 triệu đồng một tháng, tiêu tốn 9,2 tỷ đồng quỹ lương.

Cộng với tiền thưởng, trung bình mỗi sếp Vinacomin nhận về 52 triệu đồng/ tháng, cao hơn mức 50,5 triệu đồng/ tháng của năm 2014. Như vậy, trong năm 2015, trung bình mỗi lãnh đạo Vinacomin thu về 624 triệu đồng.

14442655 10154538579718749 1331518431 n
Lợi nhuận Vinacomin liên tục sụt giảm trong những năm gần đây.

Riêng ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV nhận lương thưởng cao nhất 626 triệu đồng, tiếp đến là ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc nhận về 609 triệu đồng. Các thành viên khác thuộc HĐQT, phó tổng giám đốc có thu nhập giao động từ 364 triệu - 556 triệu đồng một năm.

Vinacomin hiện là doanh nghiệp dẫn đầu về xuất nhập khẩu than với doanh thu ổn định từ 70.000 - 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lợi nhuận của Vinacomin liên tục quay đầu lao dốc.

Năm 2012, Vinacomin lãi 2.600 tỷ đồng nhưng năm 2014 giảm xuống còn 2.100 tỷ đồng.

Đến năm 2015, doanh thu Vinacomin đạt 106.000 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2014. Song, do giá than, khoáng sản giảm mạnh và chênh lệch tỷ giá, ảnh hưởng thiên tai lũ lụt khiến lợi nhuận tập đoàn này “bốc hơi”, chỉ còn 600 tỷ đồng.

Sang 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu Vinacomin vẫn ổn định nhưng lợi nhuận tiếp tục sụt giảm mạnh, chỉ đạt 197 tỷ đồng, bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2015 là 866 tỷ đồng.

10 triệu tấn than tồn kho

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan trong 8 tháng qua, Việt Nam đã chi 600 triệu USD để nhập khẩu 9,7 triệu tấn than. Ba thị trường cung ứng than nhiều nhất cho Việt Nam là: Nga, Trung Quốc và Indonesia…

Trong khi đó, báo cáo hồi giữa năm của Vinacomin cho thấy, Việt Nam đang tồn kho gần 10 triệu tấn than không bán được.

Lý giải thực trạng này tại diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho hay, thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn các nước như Indonesia, Australia, Trung Quốc từ 5-7%.

Trong khi theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên tiếp tục tăng thêm từ ngày 1/7/2016. Sản phẩm khai thác than lộ thiên tăng 12% và than khai thác hầm lò 10%. Theo tính toán, với mức thuế tài nguyên điều chỉnh tăng đồng nghĩa với Vinacomin tăng chi phí nộp lên khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Vì thế, Vinacomin đề xuất xin giảm thuế tài nguyên trong nước.

Tuy nhiên, trong khi chờ Chính phủ giảm thuế, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu than giá rẻ từ nước ngoài để trộn với than chất lượng thấp hơn để bán cho các nhà máy nhiệt điện. Kết quả là tồn kho than vừa lớn, vừa nhập khẩu nhiều than, vượt quá con số 3,1 triệu tấn mà Bộ Công Thương công bố đầu năm.

Tác giả bài viết: Kiều Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP