Kinh tế

Lãi suất tiền gửi chạm mốc 9,5%/năm: Chuyên gia dự báo điều gì?

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng rất mạnh từ đầu năm, số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Zing thông tin, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng trong nước mua) hiện đạt trên 13,828 triệu tỷ đồng, tăng 3,18% so với cuối năm 2021.

Mức tăng trưởng kể trên tương đương với việc toàn nền kinh tế đã được bổ sung gần 426.000 tỷ đồng sau 7 tháng từ đầu năm. Cùng với đó, số dư tiền gửi của cả hai nhóm khách hàng (tổ chức kinh tế và dân cư) đều ghi nhận tăng trưởng dương giai đoạn này.

Đáng chú ý, trong bối cảnh lãi suất huy động tiền gửi đã tăng rất mạnh từ đầu năm, số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 7, số liệu NHNN ghi nhận được cho biết tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng vào khoảng 5,629 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2021. So với cùng kỳ năm 2021, mức tăng trong 7 tháng đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi. Còn nếu so với năm 2020, mức tăng năm nay cũng cao hơn gần 20%.

Nếu tính theo số tuyệt đối, trong 7 tháng đầu năm, người dân đã gửi thêm hơn 328.500 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tương đương mỗi ngày người dân mang thêm gần 1.565 tỷ đồng đi gửi vào các ngân hàng. Con số này cũng cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 726 tỷ/ngày cùng kỳ năm 2021 và gần 1.200 tỷ/ngày vào đầu năm 2020.

Trong khi tiền gửi của người dân tăng cao, mức tăng ròng số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng 7 tháng đầu năm nay lại giảm đáng kể so với những năm trước, chỉ đạt 2,13% so với cuối năm 2021, tương đương gần 121.000 tỷ đồng. Trong những năm trước đó, mức tăng bình quân số dư tiền gửi của nhóm khách hàng này tại hệ thống ngân hàng đều đạt xấp xỉ 200.000 tỷ đồng sau nửa đầu năm.

Nguyên nhân chính khiến số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tăng mạnh từ đầu năm đến nay là do lãi suất huy động tiền gửi trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân) đã tăng rất mạnh. Hiện mặt bằng lãi suất huy động tại hầu hết ngân hàng đều đã cao hơn so với giai đoạn 2020-2021.

Theo thông tin trên Dân Trí, lãi suất tiền gửi cao nhất đã lên tới 9,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi tối thiểu 300 triệu đồng của ngân hàng số Cake by VPBank. Còn với các kỳ hạn 6 tháng trở lên, ngân hàng số này đẩy các mốc lãi suất này lên cao nhất thị trường là 8,5%/năm.

Với kỳ hạn 12 tháng, một loạt ngân hàng cũng đang niêm yết lãi suất huy động ở mức cao như VietABank trả 8,7%/năm; Kienlongbank đưa ra mức 8,6%/năm; SCB niêm yết ở 8,55%/năm; NCB trả 8,4%/năm hay NamABank, BacABank đều trả 8%/năm… So với chính các ngân hàng này giai đoạn 2020-2021, mức lãi suất huy động kể trên đã tăng 1,5-2 điểm %.

Tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV), mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng hiện cũng phổ biến ở mức 4,1-4,4%/năm, cao hơn 1 điểm % so với một năm trước.

Ở các kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất khách gửi tiền nhận được là 4,7-4,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên hưởng lãi suất 6,4%/năm, đều cao hơn 0,8-1,1 điểm %. Thậm chí, nếu gửi online, mức lãi suất người gửi tiền có thể nhận được từ nhóm ngân hàng này cũng lên tới 6,9%/năm.

Các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VNDirect lý giải, "cuộc đua" lãi suất xuất phát từ nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng nhờ hạn mức tín dụng mới và chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng với huy động ngày càng cao.

Các yếu tố vĩ mô toàn cầu cũng có tác động, trong đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa vào cuối năm và đồng USD tăng giá mạnh cũng gây áp lực lên tỷ giá, cũng như lãi suất.

Các chuyên gia tại đây dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3-0,5 điểm % từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm nay. Thậm chí, VNDirect dự báo đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục duy trì sang năm 2023 do NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá; ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Điều này có thể khiến lãi suất huy động tăng thêm 0,5 điểm % trong năm 2023.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP