Tương tự, Agribank cũng giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5% xuống 0,3%, ngược lại kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1% lên 4,3%.
Ở khối ngân hàng cổ phần, từ ngày 29/11, VietCapital Bank áp mức lãi suất huy động mới giảm 0,05% đối với kỳ hạn 1 - 5 tháng; giảm 0,1% với các kỳ hạn 13 và 18 tháng. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng là 5,3%, 3 - 5 tháng là 5,4%, 13 tháng là 7,5%, 18 tháng là 7,9%. Trước đó, vào ngày 09/11, ngân hàng này đã giảm 0,1% ở các kỳ hạn 6, 13 và 18 tháng xuống lần lượt 7%, 7,6% và 8%.
Trước đó, ngày 18/11 của Sacombank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng cùng giảm 0,1% xuống tương ứng 4,9% và 5,2%/năm. Ngược lại, các kỳ hạn dài từ 15-36 tháng được ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,2% lên 7%.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại vừa tăng lãi suất huy động VND, cả ở kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài. Ngân hàng VIB gần đây đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3-5 tháng, 6-11 tháng tăng 0,5% lên lần lượt 4,9%, 5,1% và 5,6%; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,65% lên 4,9%. Đáng chú ý, lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài 24-36 tháng được ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,8% từ 6,2% lên 7%.
PVcomBank mới đây cũng công bố tăng lãi suất huy động, trong đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này tăng 0,2% lên 7,5%. Theo bảng lãi suất của BaoVietBank áp dụng từ ngày 22/11, kỳ hạn 11 tháng lãi suất huy động tiết kiệm định kỳ tăng 0,2% lên 6,6%, còn kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1% lên 7,2%.
Theo đánh giá của lãnh đạo một ngân hàng tại Hà Nội, sở dĩ một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động dịp cuối năm là do trước đó đã "trót" tăng cao hơn mặt bằng chung của thị trường. Ngoài ra, đây có thể là động thái tiết giảm chi phí đầu vào nhằm có nguồn vốn hợp lý để cho vay sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Dữ liệu cuối tháng 11 do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng và một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8 -1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lãi suất bình quân giảm lần lượt lên xuống 1,6%/năm; 1,7%/năm và 2,43%/năm.
Dẫu vậy, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB (MBS), mặt bằng lãi suất huy động sẽ có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn do nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng vào những tháng cuối năm.
Trong hai tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng tiền ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu cũng gây áp lực lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. Do đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong những tuần cuối năm do nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong hệ thống tăng và cơ quan điều hành sẽ bán ra USD và hút VND về nhằm đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.
Khảo sát mặt bằng thị trường cho thấy, hiện lãi suất huy động VND giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng có quy mô nhỏ vẫn có sự cách biệt khá lớn.
Lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank,... chỉ khoảng 4,3%/năm đến 4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn dài chỉ khoảng 6,5%/năm. Còn tại một số ngân hàng nhỏ, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn kịch trần 5,5%/năm trong khi kỳ hạn dài lên tới 7,5 - 8%, cao hơn lãi suất tại các ngân hàng lớn khoảng 1 - 1,5%/năm.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: