Kinh tế

Lãi suất gửi tiết kiệm lại tiếp tục giảm

Mấy ngày qua, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 0,1-0,2%.

Sổ tiết kiệm 500 triệu đồng đến kỳ đáo hạn, chị Mai đến chi nhánh một ngân hàng cổ phần trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 để tái tục. Thay vì được hưởng mức lãi suất 5,9% cho kỳ hạn 6 tháng, giờ chị gửi lại chỉ còn 5,6% một năm. "Như vậy, mỗi tháng thay vì nhận được hơn 2,4 triệu đồng tiền lãi chỉ còn 2,3 triệu đồng", chị chia sẻ.

Đây là xu hướng chung của các ngân hàng. Theo đó, biểu lãi suất huy động gần nhất được Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank công bố ngày 15/6, khách hàng gửi mới ở kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng chỉ còn 5,2% thay vì 5,3% một năm.

Khách hàng gửi lãi suất tiền gửi đang ngày càng nhận được ít lãi suất hơn. Ảnh: PV.

Ngày 12/6, Techcombank cũng đã áp dụng biểu lãi suất mới theo hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn với mức 0,1-0,3%. Cụ thể, với kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất là 4,6% một năm, giảm 0,2%; kỳ hạn 3-5 tháng lãi suất 4,75% mỗi năm, giảm 0,2%. Trong khi đó, kỳ hạn 6-11 tháng được ngân hàng này điều chỉnh giảm 0,3%, xuống còn 5,6% mỗi năm. Hiện lãi suất cao nhất của Techcombank là 6,4% thuộc kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Trước đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank cuối tháng 5 cũng đã có đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi giảm nhẹ 0,1-0,2% một năm. Ngoài ra, nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank... cũng đã hạ lãi suất.

Một lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank cho hay, động thái trên chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động của các nhà băng một cách hợp lý hơn.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phía nam thì nhìn nhận, kinh tế ổn định, lạm phát vẫn thấp, cơ hội để lãi suất giảm vẫn còn. Các ngân hàng còn dư địa để cắt giảm tiếp lãi suất.

Năm nay, các ngân hàng cũng bị khống chế room tín dụng tăng 12-14%, nhưng mới hết nửa năm mà nhiều nhà băng đã tăng 8-9% nên phải tăng trưởng tín dụng chậm lại. Do đó, việc dần dần từng bước cắt giảm lãi suất huy động là cách tốt để các đơn vị tiết kiệm chi phí.

Trong khi đó, theo một chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất huy động cho thấy nhà băng đang có nguồn cung vốn tương đối dồi dào. Trong tháng 5, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều phiên sụt giảm, cộng thêm thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại khiến dòng tiền quay trở về hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Bên cạnh đó, một số ngân hàng tăng vốn tự có thông qua IPO cũng hỗ trợ cho lãi suất tiền gửi có cơ hội giảm.

"Việc hạ lãi suất huy động lần này cũng được xem là cách có thể giúp các nhà băng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp", vị này nói.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước khẳng định luôn bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Thông qua đó, nhà điều hành tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Tác giả: Lệ Chi

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: gửi tiết kiệm , lãi suất

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP