Giáo dục

Lại chuyện cái cặp

Tính đến nay, tôi nhớ rõ mình có đến ba lần thật phiền lòng với chuyện cái cặp.

Chiếc cặp thứ 1 - Ảnh: M.X


Đầu tiên là với cháu nhỏ học tiểu học. Cách đây hai năm khi cháu vào lớp 1, tôi chọn mua cho cháu một chiếc cặp khá xinh xắn có hình ảnh vui tươi theo đúng sở thích cháu.

Nhưng chiếc cặp này sau đó bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu thay vì không đúng quy cách quy định của nhà trường.

Theo lời giải thích của cô, cặp học sinh tiểu học phải đúng là kiểu cặp truyền thống với hình dạng chữ nhật nằm ngang khi đeo hoặc xách. Lý do đưa ra là để bảo quản tập sách không bị quăn góc.

Mặc dù tôi cố thuyết phục rằng chiếc cặp của mình không có khả năng làm sách tập cuốn góc với thiết kế bên trong và kích thước rộng rãi an toàn, nhưng cô giáo vẫn động viên tôi nên đổi cặp vì đã là quy định của trường. Thế là con tôi tiu nghỉu tạm biệt chiếc cặp mà cháu rất ưng ý.

Chiếc cặp thứ 2 - Ảnh: M.X


Lần thứ hai là năm ngoái với cháu lớn đang học trường THCS. Cháu bị giám thị nhắc nhở hai lần khi đeo chiếc cặp đen có hình dạng chữ nhật với hai góc vuông và hai góc bo tròn đầu trên.

Mặc dù tôi được biết trước nhà trường không cho sử dụng balô nhưng lần này tôi vẫn bị “hố hàng” vì không lường được mức độ quá cứng nhắc của việc áp dụng quy định trên.

Lần thứ ba lại là vấn đề màu sắc. Năm nay tôi được một người quen cho một chiếc cặp thật chắc chắn và đẹp mắt với màu sắc rất trang nhã.

Tôi mừng vì “đúng chuẩn” là cặp với bốn góc vuông vức nhưng cháu lớn cũng không xài được (dù cháu rất ưa thích) với hai buổi học chính khóa của trường chỉ vì không phải màu đen (!) theo quy định trường.

Chiếc cặp thứ 3 - Ảnh: M.X


Bản thân tôi là một người có nếp sống kỷ luật và luôn đề cao điều đó với các con mình. Mặc dù hết sức tán thành việc mặc đồng phục trong học sinh nhưng với chuyện cái cặp, tôi thật sự bức xúc vì những điều “cấm”.

Không rõ vì những lý do nào mà người ta sẵn sàng bỏ qua ưu điểm rất quan trọng một vật dụng để mang, xách hằng ngày như balô: gọn, nhẹ (so với dạng cặp nói chung).

Không chỉ chiếc cặp, rất nhiều trường tiểu học tại TP.HCM hiện nay còn bắt buộc học sinh “đồng phục” cả cuốn tập (bìa in hình trường, do căngtin trường bán ra với giá cao hơn mặt bằng giá bên ngoài), ép bìa nhựa tập, sách (trong khi có thể lựa chọn bìa khác chi phí rẻ hơn), nhãn... Có cần phải đồng phục tất tần tật như vậy không dù biện minh là để tạo nên sự nề nếp đồng bộ?

Xin hãy tôn trọng học sinh và phụ huynh trong việc tùy chọn vật dụng học tập theo sở thích và cả điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Mặt khác, khoa học từng chứng minh việc tiếp xúc của con người (đặc biệt lứa tuổi học sinh) với sự đa dạng, đa sắc càng làm người ta thông minh hơn, sáng tạo hơn, năng động hơn... thì tư duy giáo dục của ta không nên tạo ra nhiều vùng cấm không đáng có!

Tác giả bài viết: M.X

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP