Điện thoại cao cấp "xách tay" được chào bán rầm rộ ở TP HCM. |
Vào vai người mua hàng để làm sự kiện tri ân khách hàng cho công ty vào dịp cuối năm. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã như lạc chân vào thế giới của các mặt hàng điện tử công nghệ cao cấp của hệ thống mua bán được gắn mác tên gọi hàng xách tay mới 99% được nhập từ Mỹ hay Singapore, Nhật Bản… ở TP HCM.
Dạo quanh khu vực đường 3 tháng 2 (Quận 10), khu vực Lăng Cha Cả (Quận Tân Bình), hay khu vực Hàng Xanh. Người mua, sẽ thấy được giá của những chiếc smartphone cao cấp như Iphone 11, Iphone 11 Pro… nhảy loạn giá nếu mua với số lượng lớn. Còn nếu một chiếc Iphone Pro max bản 64 GB được nhà phân phối chính hãng niêm yết giá là 30 triệu đồng và bản 256 GB có giá lên đến 35 triệu đồng thì giá máy cùng loại được giới thiệu là hàng xách tay chỉ có giá xấp xỉ lần lượt là 20/25 triệu đồng. Một con số chênh lệch "khủng khiếp".
Nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận tại TP HCM nhiều tháng có nhiều nơi ngang nhiên bày bán và quảng cáo về hàng xách tay nhưng muốn lấy số lượng bao nhiêu cũng có? Các mặt hàng này được quảng cáo là mới đến 99% và thời gian bảo hành có thể lên đến 1 năm tuỳ theo loại máy.
Bên cạnh đó, chỉ cần gõ từ khoá "điện thoại Iphone" và dòng máy cần mua trên thanh tìm kiếm Google thì chưa tới 0,71 giây đã có hơn 2,5 triệu lượt tìm kiếm và hàng loạt các trang quảng cáo của các đơn vị bán hàng xách tay sẽ nhan nhãn xuất hiện, mặc sức mà lựa chọn…
Đặc biệt, các cửa hàng này điều có chung một điểm là khi người mua yêu cầu xuất hoá đơn thuế cho mặt hàng mình đã mua vì là mua hàng cho công ty thì các đơn vị bán hàng đều báo là không xuất được hoá đơn thuế vì là hàng xách tay. Nhưng những cửa hàng, cơ sở bán đều quy mô hoành tráng và có pháp nhân rõ ràng tại sao không xuất được hoá đơn thuế?
Mập mờ về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm. |
Phóng viên đã chọn ngẫu nhiên tiếp cận rất nhiều địa chỉ của các cơ sở có hệ thống của hàng rộng khắp Sài Gòn như: Huy Hoàng Mobile, Minh Tuấn Mobile, didongviet.com, 24hstore, Hoàng Kiên Mobile, Clickbuy.com.vn, Viễn Quang Mobile, Sang Mobile… và phát hiện cả các nơi đây giống như “thế giới điện thoại xách tay”, “kho điện thoại xách tay khổng lồ” khi bán đủ loại sản phẩm liên quan đến điện thoại smart phone cao cấp, đặc biệt là thương hiệu Apple…
Khi phóng viên hỏi bất kỳ sản phẩm nào, đại diện các cửa hàng của Minh Tuấn Mobile cũng trả lời: “Bên em có cả, sản phẩm nào cũng có, giá tiền nào cũng có, từ giá rẻ đến giá cao”. Tương tự, đại diện của hệ thống cửa hàng của Di động Việt cũng cho biết: “Anh chị muốn mua loại nào thì cứ liệt kê, bên em có đầy đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của anh chị”.
Tiếp tục thử hỏi: “Đâu là sản phẩm tốt hả em?”, nhân viên trả lời: “Dạ sản phẩm nào cũng tốt cả!”. Nếu hàng của Mỹ thì có mã là LLA, hàng của Singapore là ZA, hàng của Nhật là JA, nhưng hàng của Mỹ là tốt nhất và có giá cao nhất. Nếu muốn lấy lấy số lượng lớn thì quý anh chị báo số lượng cho em bao nhiêu cũng có.
Điểm chung của những của hàng trên là không thể xuất được hoá đơn nếu muốn lấy hoá đơn thì các cửa hàng sẽ xuất cho bên mua hoá đơn của các dòng máy khác…
Khách hàng khi mua máy không am hiểu nhiều về công nghệ, nên lúc "test" máy khó có thể phân biệt được hàng nhái loại 1, có thể mua nhầm máy cũ được “mông má” bên ngoài và cho vào hộp phụ kiện mới, những sản phẩm này được “giới chuyên môn” gọi là hàng dựng. Hoặc mua phải điện thoại xách tay được thay vỏ, bo mạch và linh kiện trước khi nhập về Việt Nam.
Đi kèm với những rủi ro về chất lượng máy khi mua điện thoại xách tay, khách hàng cũng có thể sẽ không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ hãng như những chiếc máy được mua chính hãng. Chẳng hạn như người mua Iphone thường có chính sách đổi mới pin hoặc sạc miễn phí cho người mua hàng nếu bị lỗi sau một thời gian sử dụng.
Nhận định về hiện tượng này, luật sư Trương Minh Tuỳ (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết: “Việc buôn bán hàng quá nhập khẩu từ nước ngoài về mà không có hồ sơ, chứng từ hợp pháp thì hàng hóa này bị coi là hàng hóa nhập lậu theo Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/ NĐ - CP'' Hàng hóa nhập lậu” gồm: d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Vì vậy, với những trường hợp này có thể bị xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ''.
Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau: g) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; h) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; i) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; k) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Luật sư Trương Minh Tuỳ cho biết thêm: Từ 15/10/2020, kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan sẽ bị phạt 100-200 triệu đồng. Theo Nghị định 98/2020 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1-100 triệu đồng.
Đáng chú ý, mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hoá khi làm thủ tục hải quan.
Ngoài ra, hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. Như vậy, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, không làm thủ tục hải quan... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu.
Như vậy, việc các cửa hàng đang ngang nhiên buôn bán hàng nhập lậu đã vị phạm các quy định của việc cấm buôn bán hàng gian, hàng lậu của nhà nước. Cùng với việc trốn thuế gây thất thoát ngân sách làm ảnh hưởng đến các đơn vị doanh nghiệp bán hàng chính nghạch vi phạm luật cạnh tranh được quy định theo nghị định Số: 35/2020/NĐ-CP của chính phủ được áp dụng vào ngày 15/5/2020 quy định nếu gây ảnh hưởng đến thu nhập và thị phần của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị các cơ quan ban nghành như: Cục quản lý thị trường TP HCM, Công an kinh tế TP HCM, cần sớm vào cuộc để xử lý những vi phạm về buôn bán hàng lậu và trốn thuế của nghành hàng gọi là xách tay. Việc, kinh doanh điện thoại xách tay (thiếu hoá đơn, chứng từ và nguồn gốc) trước hết là gây thất thoát thuế cho nhà nước, tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho khách hàng không chỉ về chất lượng, mà còn về các vấn đề liên quan đến tài chính, ảnh hưởng không ít đến cuộc sộng của người tiêu dùng.
Vụ án "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường được Bộ Công an xác định Bùi Quang Huy (45 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) là chủ mưu, cầm đầu cùng các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia vẫn chưa hết “nóng” nhưng thị trường điện thoại xách tay không hoá đơn ở TP HCM vẫn được “chào bán” rầm rộ công khai mà vẫn chưa thấy cơ quan chức năng xử lý mạnh tay. |
Tác giả: Hàn Long
Nguồn tin: phapluatplus.vn