Trong nước

Kỳ vọng của ĐBQH về Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi

Các ĐBQH kỳ vọng việc thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành y.

Chiều ngày 9/1, với 386/473 đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành, chiếm 77,82%, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chia sẻ với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một nội dung rất quan trọng, được Quốc hội thận trọng yêu cầu chuẩn bị kỹ càng hơn kéo dài qua 3 kỳ họp.

Khi quá trình chuẩn bị đã đáp ứng được yêu cầu, để dành nhiều thời gian hơn nữa cho Chính phủ có điều kiện để chuẩn bị các văn bản dưới Luật cho triển khai thực hiện luật nên đưa vào kỳ họp này là phù hợp.

Với việc Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua, đại biểu Trần Văn Lâm cho biết, tất cả những bất cập, những khó khăn vướng mắc liên quan đến các hoạt động trong khám chữa bệnh và hoạt động của các bệnh viện, các cơ sở y tế trong thời gian sửa đổi Luật đều đã được đặt ra, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận giải pháp để tìm hướng tối ưu.

“Tôi hy vọng Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề hiện nay đang vướng đối với hoạt động khám chữa bệnh, hoạt động của các cơ sở y tế”, đại biểu Trần Văn Lâm kỳ vọng.

ĐBQH Trần Văn Lâm trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Đối với vấn đề tài chính y tế, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng đây cũng là một nội dung quan trọng trong dự án Luật đề cập để giải quyết.

Ngoài tự chủ về tài chính, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết về tự chủ bệnh viện còn một số yếu tố khác cần xem xét một cách đồng bộ, đặc biệt là tự chủ về biên chế, con người, tổ chức bộ máy.

Theo đại biểu, vấn đề này liên quan đến rất nhiều các yếu tố để hình thành nên các điều kiện cho bệnh viện hoạt động. Trong đó, chỉ riêng yếu tố vật tư, hàng hóa, giá cả đã liên quan đến các Luật khác nhau như Luật giá, Luật đầu tư công, Luật Đấu thầu… Những hạn chế, bất cập đó được các dự án Luật xem xét, điều chỉnh phù hợp sẽ là yếu tố tạo thuận lợi, thúc đẩy cho vấn đề tự chủ của các cơ sở y tế.

Với việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) cho biết, không những các ĐBQH mà người dân cũng rất quan tâm, chờ đợi rất quan tâm đến Luật này.

“Việc thông qua Luật góp phần rất lớn giải quyết nhiều vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn của ngành y”, đại biểu Sơn cho hay.

ĐBQH Nguyễn Công Hoàng đề nghị Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn để đưa Luật áp dụng kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu cấp thiết của ngành y tế.


Trao đổi bên hành lang Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, những nội dung vướng mắc của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) về cơ bản đã được các cơ quan tiếp thu và chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đảm bảo chất lượng để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Về Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 25) của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu đoàn Thái Nguyên Hội đồng Y khoa quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động đã mang lại nhiều điểm mới cho ngành y tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế trong khám bệnh, chữa bệnh.

Liên quan đến vấn đề tài chính y tế, đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều vấn đề như việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; việc huy động các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực y tế; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,…

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đề nghị, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn để đưa Luật áp dụng kịp thời, đáp ứng tốt nhu cầu cấp thiết của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả: Hoàng Thị Bích

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP