Ngày 18/12, TP Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Bản hùng ca bất diệt. Tại đây, các đại biểu chia sẻ những ký ức 12 ngày đêm không thể nào quên, dù 45 năm trôi qua (12/1972-12/2017).
Đêm đầu đối mặt với “pháo đài bay” B52
Đầu năm 1972, bất chấp những cố gắng rất lớn, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam vẫn hứng chịu những thất bại nặng nề. Trước tình hình đó, Mỹ tiến hành các bước quân sự mới, trọng tâm là cuộc tấn công đường không vào Hà Nội bằng “pháo đài bay” B52.
Khoảng gần 19h ngày 18/12/1972, khi những chiếc “pháo đài bay” bay B52 từ đảo Guam (trên Thái Bình) hướng về miền Bắc Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh – nguyên Trợ lý tên lửa Cục Tác chiến đang cùng đồng đội trực chiến trong căn hầm sâu dưới Hoàng thành Thăng Long.
“Nghĩ đến chiếc B52 nặng hơn 80 tấn trút bom xuống Hà Nội mà tôi vã mồ hôi dù trời rét”, Thiếu tướng Ninh nói.
Sau đó, ông Ninh báo cáo Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xin phép kéo còi báo động ở Hà Nội. Tiếng còi báo động từ tay ông Ninh phát đi, rú vang khắp Hà Nội, nhắc nhở người dân xuống hầm trú ẩm. Khoảng 19h40, ngày 18/12/1972, những tốp máy bay B52 bay vào trút bom xuống Hà Nội, mở đầu đợt ném bom với quy mô chưa từng thấy trong 12 ngày đêm.
Bom từ máy bay B52 trút xuống, cả Thủ đô rung chuyển, các khu dân cư ở Đông Anh, Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì (phần lớn ở ngoại thành) bị trúng bom. Trong nội thành có 2 khu vực bị trúng bom là phố Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai.
Nhạc sĩ Phú Quang (đứng giữa) luôn cảm thấy đau đớn, xót xa khi nhớ về hồi ức 12 ngày đêm Điên Biên Phủ trên không. |
Nhớ lại ngày đầu tĩên máy bay Mỹ ném bom san phẳng căn nhà mình trên phố Khâm Thiên, nhạc sĩ Phú Quang luôn cảm thấy xót xa, đau đớn vì hàng chục người thân quen mãi mãi bị chôn vùi dưới đống đất đá.
“Khi ngớt tiếng bom, tôi đẩy nắp hầm chui lên mặt đất, thất cảnh vật hoang tàn, hàng xóm đi thu dọn thi thể người chết. Có bà cụ trên 70 tuổi đứng bất động, nhìn thi thể 26 người con cháu. Tôi không thấy bà rơi nước mắt mà đứng như một pho tượng. Bà không khóc mà tôi khóc!”, nhạc sĩ Phú Quang nhớ lại.
Ký ức của nhạc sĩ Phú Quang sau đêm đầu máy bay Mỹ ném bom xuống Hà Nội là những phần thân thể mắc trên dây điện, nhiều người thân, người quen bị chết sau trận bom. Đặc biệt là người bạn thân bị chôn vùi dưới lớp đất đá, phải mất 13 ngày sau ông và chị gái mới tìm thấy.
“Một hôm đi lên chỗ nhà 49 Khâm Thiên, chị tôi bảo nghe bạn tôi gọi mà chị tôi không trả lời. Tôi trấn an, giờ là 9h sáng, chắc chị bị hoảng loạn. Thế rồi sau này, tôi tìm thấy xác bạn tôi chính ở chỗ chị tôi bước lên. Cậu ấy nằm dưới đó cách 20 phân đất”, nhạc sĩ Phú Quang nhớ lại.
Nhạc sĩ Phú Quang kể, sau này, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp có vận động các ca sĩ, nhạc sĩ có tên tuổi, tài năng viết giao hưởng về chiến tranh. Khi đó Phú Quang viết một bản Hồi ức. “Trình diễn xong, tôi hỏi thấy thế nào, Đặng Vũ Hiệp nói: “Nghe bài của Quang anh khóc luôn”. Tôi nhìn sang 3/4 khán giả Nhà hát lớn Sài Gòn cũng khóc. Nhạc không lời mà họ khóc như thế, tôi nghĩ do bản nhạc có kỷ niệm không quên của bản thân”, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ.
Chia sẻ thêm nhiều câu chuyện về chiến tranh, nhạc sĩ Phú Quang cho biết, bây giờ, nhà ông trên phố Khâm Thiên đã thành tượng đài rêu phong. Mỗi lần nhìn pho tượng đó, ký ức năm xưa lại ùa về khiến ông càng cảm thấy đau đớn, xót xa. Vì điều đó mà nhạc sĩ Phú Quang viết thêm một số tác phẩm về những ngày đêm mùa đông Hà Nội chìm trong khói lửa 45 năm trước và tác phẩm nào cũng được đón nhận.
Trung tướng Phạm Tuân dùng mắt thường bắn rơi B52
Phát biểu tại buổi hội thảo, Trung tướng Phạm Tuân đánh giá, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đã bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, ngoài chiến công bắn rơi máy bay địch, việc bảo vệ các mục tiêu là then chốt và hết sức quan trọng. Cụ thể, sau chiến tranh, chỉ có 2 vệt bom B52 rơi vào nội thành (Bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên) còn hàng trăm lần khác, các tốp máy bay không thể bay vào Hà Nội.
“Nếu chỉ 5 tốp B52 vào Hà Nội thì thành phố sẽ bị san bằng. Sau đó, dù có bắn rơi bao nhiêu thì chúng ta khôi phục lại rất khó. Nhưng sau chiến tranh, Hà Nội còn nguyên vẹn, Trung ương còn nguyên vẹn và tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng”, Trung tướng Phạm Tuân nói.
Trung tướng Phạm Tuân phân tích, khi chuẩn bị leo thang ném bom Hà Nội, phía Mỹ đánh giá không quân của Việt Nam rất cao, bởi họ biết hết những phương tiện máy bay, tên lửa, radar của chúng ta. Nhưng theo Trung tướng Phạm Tuân, trên máy bay còn có phi công, nên chúng ta có thể dùng mắt thường đánh được máy bay B52. Và đó là sự chủ quan của Mỹ, vì đã không đánh giá hết sự linh hoạt trong cách đánh của lực lượng không quân Việt Nam.
Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ cách đánh "pháo đài bay" B52 |
“Lúc bấy giờ, không quân luôn xác định nếu bắn hai quả tên lửa mà B52 không rơi thì sẵn sàng nhả quả tên lửa thứ 3. Và sau này anh Vũ Xuân Thiều đã làm như thế. Anh ở cự ly rất gần, nếu không phải là đánh B52 thì anh thoát ra để đi đánh tiếp, nhưng mệnh lệnh đánh B52 đưa ra rồi, anh xông thẳng vào máy bay địch. Ý chí cao như thế!”, Trung tướng chia sẻ.
Trong ký ức của Trung tướng Phạm Tuân, bầu trời Hà Nội về đêm lúc nào cũng lốm đốm như pháo hoa ngày Tết, bởi pháo cao xạ từ dưới đất bắn lên và tên lửa từ máy bay bắn xuống. Mỗi đêm với 30 - 50 lần B52 thì có khoảng 300 lần máy bay các loại hộ tống khiến bầu trời Hà Nội trở nên nhỏ bé.
“Tôi bay trên trời cũng sợ. Nếu máy bay địch vào, không quân của ta đuổi từ bên ngoài, tên lửa bắn lên, dưới thấp thì dân quân tự vệ, pháo cao xạ bắn, tất cả trận địa đó thành thế trận chiến tranh nhân dân... phi công Mỹ không thể yên tâm được”, ông kể.
Người đầu tiên bắn hạ máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội chia sẻ, khi ông gặp một phi công Mỹ bị giam ở Hỏa Lò, viên phi công Mỹ cho biết, không thể lý giải được tại sao mình lại bị bắn rơi. Đúc kết lại, anh hùng Phạm Tuân cho rằng, từ ý chí, trí tuệ của người Việt Nam đã làm nên sức mạnh tổng thể, vượt qua khó khăn, nảy sinh ra những sáng tạo để đi đến chiến thắng và có được sự khâm phục từ chính kẻ thù.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí